Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa ban hành hai công văn khẩn gửi ba bệnh viện tuyến Trung ương và các Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk về việc tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu.
Từ đầu năm tới nay, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca dương tính với bạch hầu.
Trước tình hình bệnh bạch hầu có những diễn biến phức tạp, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức lớp tập huấn tăng cường công tác điều trị bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết Dengue và dịch bệnh COVID-19 tại Đắk Lắk cho các tỉnh trên.
Tiếp đó, ngày 8/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có công văn yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk tiếp tục triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh, bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân.
Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Các cơ sở y tế tăng cường phát hiện sớm, cách ly kịp thời, điều trị và theo dõi người bệnh bạch hầu hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Cục trưởng Cục Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê yêu cầu các đơn vị khẩn trưởng rà soát và bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, kháng huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, kịp thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn về Bộ Y tế.
Các cơ sở điều trị chủ động liên hệ, phối hợp với các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống bệnh truyền nhiễm như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để được hỗ trợ kỹ thuật khi cần thiết.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng có công văn gửi Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh là các bệnh viện tuyến cuối của hệ thống điều trị bệnh truyền nhiễm khẩn trương phối hợp tổ chức tránh trùng lắp các đoàn công tác đến làm việc, hỗ trợ kỹ thuật cho các tỉnh Tây Nguyên. Triển khai tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho các cơ sở y tế.
Các bệnh viện trên cần thiết lập đường dây nóng và các hình thức hỗ trợ trực tuyến, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế trong khu vực Tây Nguyên khi có yêu cầu để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, hỗ trợ khi cần thiết
Trước đó, tại cuộc họp khẩn về công tác phòng chống dịch bạch hầu diễn ra cuối giờ chiều ngày 7/7, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu: Ngay từ bây giờ, cần tập trung cao độ cho điều trị, đồng thời giao Bệnh viện Bạch Mai tiến hành đào tạo, tập huấn cho cán bộ 4 địa phương có dịch, phối hợp Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để thực hiện.
Giao Cục Quản lý Khám chữa bệnh thành lập ngay 4 tổ công tác của điều trị vào 'nằm vùng' ở 4 địa phương có dịch. Các tổ này tập hợp các chuyên gia về truyền nhiễm, hồi sức và các lĩnh vực điều trị khác, vừa 'cầm tay chỉ việc', vừa hướng dẫn, tập huấn, giúp cán bộ y tế ở đấy điều trị bệnh nhân. Song song với đó, sử dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa để hỗ trợ chuyên môn cho các địa phương.
Quyền Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát lại tất cả các phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men ... phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!