Bộ Y tế thông tin chính thức về 9 tấn chất tạo nạc trôi nổi

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol được sử dụng trong ngành y tế nhưng chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Thời gian gần đây, dư luận đang quan tâm đến thông tin 'trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định'. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi chuyển đến bạn đọc những thông tin cụ thể.

Năm 2014 và 2015: Bộ Y tế cho nhập gần 9.100kg salbutamol

Theo Bộ Y tế, năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5.215kg, năm 2014 nhập 3.876kg (chứ không phải mỗi năm Bộ Y tế cho nhập 9.140kg salbutamol) và số liệu 'chỉ 10kg được sử dụng đúng quy định' là hoàn toàn không có cơ sở. Cũng theo Bộ Y tế, đối với lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay.

Bộ Y tế thông tin chính thức về 9 tấn chất tạo nạc trôi nổi

Salbutamol chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên liệu salbutamol, thuốc chứa salbutamol rất cần thiết cho công tác điều trị, được sử dụng trong ngành y tế, tuy nhiên chưa được đưa vào danh mục thuốc phải kiểm soát đặc biệt. Vì vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu salbutamol làm thuốc được ngành y tế thực hiện theo Thông tư 47/2010/TT-BYT ngày 29/12/2010.

Theo đó, trừ các chất phải kiểm soát đặc biệt (là các chất gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất và chất phóng xạ) thì các nguyên liệu làm thuốc khác (trong đó có salbutamol) được xem xét số lượng nhập khẩu trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp sản xuất thuốc, nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, với mục tiêu đảm bảo tính linh hoạt và chủ động trong sản xuất thuốc phục vụ nhu cầu chữa bệnh cho người dân.

Đã xử phạt một số doanh nghiệp vi phạm

Thông tin của Bộ Y tế cũng cho biết, ngay khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc nguyên liệu salbutamol có khả năng bị sử dụng sai mục đích trong chăn nuôi, Bộ Y tế đã tích cực thực hiện các biện pháp để kiểm soát việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích.

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế đã có văn bản số 21590/QLD-KD thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục Hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu salbutamol, chủ động và phối hợp chặt chẽ với Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - C49, để thanh tra, kiểm tra toàn bộ các công ty dược nhập khẩu nguyên liệu salbutamol.

Bên cạnh đó, trong tháng 12/2015, công tác hậu kiểm các cơ sở nhập khẩu salbutamol cũng đã được Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thực hiện tại 10 cơ sở (trong đó Cục Quản lý Dược phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra tại 6 cơ sở). Quá trình kiểm tra đã phát hiện 4 cơ sở vi phạm bán nguyên liệu salbutamol cho các cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo quy định.

Bộ Y tế đã xử lý quyết liệt các đơn vị vi phạm với chế tài cao nhất như: Đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, ngừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ xuất nhập khẩu thuốc; đề nghị Sở Y tế địa phương thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các đơn vị vi phạm; chuyển 3 trường hợp vi phạm để C49 tiếp tục làm rõ, đồng thời chuyển hồ sơ sang C49: Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông, Công ty CP dược Minh Hải, Công ty TNHH hóa dược Minh Anh.

Tuy nhiên, sau khi xem xét tài liệu, hồ sơ, C49 đã có các công văn gửi Cục Quản lý Dược thông báo chưa đủ cơ sở để khởi tố, xử lý hình sự về hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2009 và đề Cục Quản lý Dược đề nghị xử lý hành chính theo thẩm quyền đối với Công ty TNHH Hóa dược Quốc tế Phương Đông và Công ty CP Dược Minh Hải.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!