Nhập viện với bàn tay trái trong máy xay thịt
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. (Ảnh: BV)
Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật cấp cứu cho nữ bệnh nhân L.N.Đ. (SN 1974, ở tỉnh Vĩnh Long) bị máy xay thịt cuốn giập nát bàn tay trái.
Theo gia đình bệnh nhân, trong lúc vệ sinh máy xay thịt, chị Đ. rút nhầm phích cắm nồi cơm điện thay vì máy xay nên bị cuốn giập nát bàn tay, người thân đưa bệnh nhân đến trạm y tế. Nhân viên y tế đã nhanh chóng xử lý vết thương, cầm máu và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Chị Đ. bị dập nát 4 ngón tay trên bàn tay trái. Các bác sĩ đã tháo rời từng bộ phận chiếc máy xay, gỡ bàn tay bệnh nhân ra khỏi máy. Ngón III gãy phức tạp, đầu ngón tím tái, tuần hoàn mạch máu nuôi ngón tay bị tổn thương nặng nề, không thể khâu nối, nguy cơ hoại tử cao nên các bác sĩ quyết định tháo ngón III.
Đối với các vết thương ngón II, IV, V, phẫu thuật viên rửa vết thương, cắt lọc, khâu gân gấp các ngón, xuyên kim cố định xương ngón II. Với nỗ lực hết mình, các bác sĩ đã phẫu thuật bảo tồn thành công 4 ngón tay còn lại của bàn tay trái.
Hiện, các ngón tay của bệnh nhân đã hồng hào. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị tại trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện.
Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng đột biến sau lũ
Bệnh viện quá tải, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết phải nằm tạm giường xếp. (Ảnh: Zing)
Liên tục nhiều ngày qua, bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận hàng trăm lượt bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Khoa Bệnh Nhiệt đới của đơn vị này đang rơi vào tình trạng quá tải. Các bác sĩ phải ghép mỗi giường 2-3 bệnh nhân.
Số giường thực kê tại khoa bệnh Nhiệt đới, bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi là 54. Trong khi đó, đơn vị này đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trước tình hình này, nhiều gia đình mua giường xếp mang đến bệnh viện để người thân nằm điều trị.
Theo thống kê của bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay có hơn 1.650 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Số lượng này thường tăng đột biến sau bão lũ.
Theo các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, khí hậu ẩm, mưa lớn kéo dài và người dân chưa chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy đã tạo điều kiện cho muỗi sản sinh nhanh. Đây là nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết tăng đột biến.
Người mắc bệnh tan máu có thể sinh con khỏe mạnh
Hai lần bị thai lưu, vợ chồng chị Thủy (Hà Nội) mới phát hiện cùng mang gene bệnh tan máu bẩm sinh gây phù thai.
Lần đầu, chị Thủy phải đình chỉ thai kỳ do thai chết lưu. Nghĩ mình không may mắn, chị tiếp tục ôm ấp hy vọng ở lần mang thai thứ hai. Kế tiếp, ở tuần thứ 30, kết quả siêu âm tim thai nhi to, nguy cơ phù thai.
Sau hai lần không thể sinh con. chị Thủy đi khám mới biết nguyên nhân của những nỗi đau liên tiếp ấy là do hai vợ chồng chị cùng mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là bệnh máu di truyền cho cả con trai lẫn gái.
Tan máu bẩm sinh (Thalassemia) có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể. Hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi bệnh, chủ yếu chữa triệu chứng - truyền máu và thải sắt. Nỗi ám ảnh lớn khiến chị Thủy không dám nghĩ đến việc mang thai nữa.
Ba năm sau, vợ chồng chị đến viện Huyết học - Truyền máu Trung ương xét nghiệm gene, được bác sĩ tư vấn cách sinh con an toàn khỏe mạnh. Năm 2019, vợ chồng quyết định thụ tinh nhân tạo và thực hiện chẩn đoán trước chuyển phôi. Quá trình mang thai suôn sẻ, chị Thủy sinh một em bé khỏe mạnh.
Việt Nam ghi nhận trên 12 triệu người mang gene bệnh tan máu bẩm sinh. Ước tính mỗi năm khoảng 2.000 trẻ sinh ra bị bệnh thể nặng, khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai. Nhiều phụ nữ bị phù thai, mất con mà không biết nguyên nhân.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!