Nguy cơ mới virus lây bệnh từ người sang người

Thời sự - 11/24/2024

Trong lúc cuộc chiến với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành thì thật đáng lo ngại khi các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) lại phát hiện ra một loại virus hiếm gặp ở Bolivia, thuộc họ virus sốt xuất huyết, chúng giống Ebola, có khả năng lây truyền từ người sang người.

Nguy cơ mới virus lây bệnh từ người sang người

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một loại virus hiếm gặp lây truyền từ người sang người tại Bolivia. Ảnh: Scitechdaily.

Theo tờ The Guardian (Anh), các nhà khoa học cho biết vào năm 2019, hai bệnh nhân đã lây truyền virus mang tên Chapare cho 3 nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thủ đô La Paz của Bolivia. Một trong hai bệnh nhân và hai nhân viên y tế sau đó đã tử vong.

'Chúng tôi xác nhận rằng một nhân viên y tế trẻ tuổi, một bác sĩ sơ cứu và một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đã nhiễm virus sau khi tiếp xúc với bệnh nhân. 2 nhân viên y tế sau đó đã tử vong. Hiện chúng tôi tin rằng nhiều chất dịch cơ thể có khả năng mang mầm bệnh virus'- Caitlin Cossaboom, nhà dịch tễ học tại CDC nói.

Vẫn theo nhóm nghiên cứu tại CDC Mỹ, loại virus này có trong cơ thể chuột và chúng có khả năng lây sang người. Đáng sợ là chúng dễ lây nhiễm hơn các loại virus lây qua đường hô hấp, kể cả so với như virus SARS-CoV-2 đang hoành hành thế giới.

Theo nhà dịch tễ học Cossaboom, bệnh nhân nhiễm virus Chaprre sẽ bị sốt, đau bụng, nôn mửa, cháy máu chân răng, phát ban trên da và đặc biệt là đau hốc mắt. 'Chúng tôi thực sự rất ngạc nhiên'- bà Maria Morales-Betoulle, một nhà nghiên cứu bệnh học tại CDC cho biết khi phát hiện ra loại virus này đồng thời cảnh báo nếu không dập sớm thì độ nguy hiểm của nó sẽ rất lớn trong khi nhân loại vẫn đang loay hoay đối phó với SARS-CoV-2. Như vậy có nghĩa là nó có thể gây ra một đợt dịch virus mới trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng có thể virus này đã lưu hành trong một vài năm mà chưa được phát hiện. Và cũng có thể nó đã bị chẩn đoán nhầm là virus gây sốt xuất huyết do có các triệu chứng tương tự. Các nhà khoa học cho biết họ cần tiếp tục nghiên cứu về loại virus này để hiểu rõ khả năng bùng phát.

Trong khi đó, một thông tin không lấy gì làm 'vui vẻ' khi giới khoa học công bố nguy cơ đại dịch có thể đến từ 850.000 virus lạ trên động vật. Chúng ẩn náu trên các loài chim và động vật có vú, một ngày nào đó có thể biến chủng để lây nhiễm sang con người.

Thông tin được đưa ra trong báo cáo mới của nhóm 22 chuyên gia quốc tế, với khuyến cáo nếu không hành động sẽ ngày càng có nhiều đại dịch hơn và đại dịch sẽ tồi tệ hơn. Cần phải ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc động vật ngay từ đầu hơn là đối phó với chúng bằng các biện pháp y tế và vaccine mới.

Theo nhóm nghiên cứu, 850.000 loài virus mà con người chưa biết tới đang sống trên chim chóc và động vật có vú như dơi, chuột, linh trưởng. Rủi ro lây lan sang người đang ngày càng gia tăng với ít nhất 5 loại bệnh mới xuất hiện ở người hàng năm và bệnh nào cũng có nguy cơ biến thành đại dịch.

Tiến sĩ Peter Daszak - Chủ tịch Liên minh sức khỏe sinh thái, nhận định chính hoạt động của con người gây ra biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh thái cũng gây ra nguy cơ đại dịch khi tác động vào thiên nhiên. Còn nhà sinh thái Guy Poppy bình luận: 'Mối liên quan giữa sức khỏe hành tinh và sức khỏe con người ngày càng được thừa nhận, Covid-19 đã khiến nó hiện ra trước mắt mọi người. Nếu chúng ta định duy trì sức khỏe con người, chúng ta cũng phải đảm bảo sức khỏe hành tinh'.

Như vậy là với các dịch bệnh xuất phát từ virus, ngày càng có vẻ như xấu hơn. Nếu như các loại bệnh đến từ vi khuẩn đã được khống chế về cơ bản thì với virus lại hoàn toàn khác. Nếu như trước đây khi khoa học y học còn rất giới hạn thì việc 'miễn dịch cộng đồng' được cho là tất nhiên- có nghĩa là để cho virus hoành hành và cơ thể con người sẽ tự điều tiết ra kháng nguyên miễn dịch; thì nay phải tập trung đầu tư nghiên cứu, điều chế vaccine. Đó được coi là hướng chặn dịch do virus gây ra đúng nhất cho đến thời điểm này, thay vì chỉ tập trung điều chế thuốc đặc trị với mục đích thương mại hóa. Vì rằng, trước mắt nó là điều tích cực nhưng lâu dài thì không ngăn chặn được nguồn gây dịch.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!