Bột ăn dặm làm trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Sống khỏe mạnh - 12/06/2024

Thành phần dinh dưỡng trong các loại bột ăn dặm hay thức ăn dặm làm sẵn ít hơn so với thức ăn dặm tự nấu, đặc biệt là hàm lượng chất đạm.

Khi con chuẩn bị bước vào giai đoạn ăn dặm, điều mà bà mẹ nào cũng băn khoăn là không biết nên cho bé bắt đầu từ bột ăn dặm bán sẵn hay tự nấu cháo cho bé ăn. Trong số rất nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau, nhiều mẹ Việt hiện vẫn đang chọn cách cho con tập ăn bột ngọt trước, sau một thời gian mới chuyển sang bột mặn.

Tuy nhiên, theo các cơ quan y tế lớn trên thế giới, không có khái niệm bột ngọt hay bột mặn, và cũng không có khái niệm về thứ tự ăn dặm bột ngọt trước rồi mới đến bột mặn. Cách cho con ăn dặm được áp dụng phổ biến này liệu có phải là sự lựa chọn đúng đắn? Các cơ quan y tế uy tín nói gì bột ăn dặm bán sẵn và hướng dẫn cách cho bé ăn dặm như thế nào?

Bột ăn dặm bán sẵn làm con bạn biếng ăn

Trong nghiên cứu năm 2013, GS.BS. Garcia, ĐH Glasgow, Anh Quốc đã báo cáo: Các loại bột ăn dặm hoặc thức ăn dặm làm sẵn dành cho bé từ 4 tháng tuổi trên thị trường có thành phần chứa nhiều gia vị, đặc biệt đường hoặc muối. Việc cho bé ăn 1 hỗn hợp gồm nhiều thành phần như bột ăn dặm bán sẵn khi bé bắt đầu ăn dặm, sẽ làm các bé khó chấp nhận được nhiều vị khác nhau. Sau 1 thời gian ngắn, bé sẽ nhận thức được 'sự khó chịu của việc này' và sẽ biểu hiện 'ngậm miệng' hay 'quay đầu, chán ăn, thậm chí không thèm ăn', biểu hiện lâm sàng của biếng ăn xảy ra.

Bột ăn dặm làm trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Các loại bột ăn dặm hoặc thức ăn dặm làm sẵn dành cho bé từ 4 tháng tuổi trên thị trường có thành phần chứa nhiều gia vị, đặc biệt đường hoặc muối

Bên cạnh đó 1 báo cáo trong tập san Y Khoa Food Digestion năm 2012 của GS.BS. Nhi Khoa Abrahamse đã giải thích: Vì hệ thống tiết enzyme tiêu hóa của các bé chưa hoàn thiện cho đến 12 tháng tuổi, nên giai đoạn bắt đầu ăn dặm khoảng 4-6 tháng tuổi, 1 số enzyme tiêu hóa protein, chất béo, và thậm chí một số enzyme tiêu hóa tinh bột chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được việc ăn nhiều loại thức ăn cùng một lúc.

Một số khó chịu về việc tiêu hóa kém của các bé (như khó chịu, đầy hơi) khi ăn hỗn hợp thức ăn như trên sẽ làm bé mất hứng thú với việc ăn dặm. Trên thực tế, những triệu chứng đó bé phải chịu đựng một mình, người lớn không hề biết. Điều này rất dễ hiểu tại sao khi bé lớn hơn, bé sẽ phản ứng ngậm miệng, không thèm ăn.

Bột ăn dặm khiến trẻ có nguy cơ thiếu dinh dưỡng

Thêm một lý do khác mà bột ăn dặm không được khuyến cáo dùng cho trẻ tập ăn dặm đó là nó có thể khiến trẻ thiếu dinh dưỡng. GS.BS. Wright, BV Yorkhill, Anh Quốc cho biết: Thành phần dinh dưỡng trong các loại bột ăn dặm hay thức ăn dặm làm sẵn ít hơn so với thức ăn dặm tự nấu, đặc biệt ít hơn gấp 2 lần hàm lượng chất đạm so với thức ăn dặm tự nấu. Do đó, nếu dùng bột ăn dặm bán sẵn lâu dài, các bé có nguy cơ thiếu chất dinh dưỡng.

Chuyên gia khuyến cáo về sử dụng bột ăn dặm cho trẻ nhỏ

GS.BS, Garcia chỉ rõ: Các bé từ 4-6 tháng không nên dùng bột ăn dặm vì thời điểm này sữa vẫn luôn là dinh dưỡng tốt nhất, việc sử dụng bột ăn dặm không mang lại lợi ích dinh dưỡng, mà còn gây nguy cơ biếng ăn do rối loạn vị giác hoặc nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng cho sự phát triển là rất cao.

Thành phần dinh dưỡng trong các loại bột ăn dặm hay thức ăn dặm làm sẵn ít hơn so với thức ăn dặm tự nấu, đặc biệt ít hơn gấp 2 lần hàm lượng chất đạm so với thức ăn dặm tự nấu.

Hơn nữa, GS.BS. Garcia và GS.BS. Wright còn kết luận rằng: Việc giới thiệu bột ăn dặm bán sẵn cũng không giúp bé quen với cấu trúc thức ăn hay mùi vị thức ăn. Nhiều mùi vị thức ăn từ bột ăn dặm hoặc thức ăn dặm làm sẵn sẽ làm bé rối loạn vị giác và mùi vị thức ăn. Do đó, bé sẽ khó chấp nhận thức ăn riêng lẻ: khi bạn chuyển từ bột ăn dặm sang cho bé ăn cháo nấu với cà rốt chẳng hạn, bé sẽ không thể chấp nhận mùi mới và không biết mùi cà rốt.

Hướng dẫn cho bé ăn dặm đúng cách

Các bé chỉ nên bắt đầu ăn dặm lúc 6 tháng tuổi hoặc ít nhất là 5.5 tháng tuổi. Do đó, không nên áp dụng cách cho bé ăn dặm với bột ngọt lúc 4 tháng tuổi, sau đó chuyển sang bột mặn. Các bậc cha mẹ nên đợi các bé ít nhất đủ 5.5 tháng tuổi hãy suy nghĩ đến việc ăn dặm. Và sau đây là hướng dẫn ăn dặm chính thống từ các cơ quan Y tế các nước:

Bột ăn dặm làm trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng

Sữa vẫn là dinh dưỡng tốt nhất với trẻ trước 6 tháng tuổi, và hãy đợi bé đúng độ tuổi ăn dặm mới bắt đầu giới thiệu thức ăn dặm cho bé

Hiệp Hội Dinh Dưỡng của Anh ghi rõ: 'Khi bé đến tuổi ăn dặm, nên bắt đầu cho bé làm quen với 1 món trong 3 ngày, sau đó mới giới thiệu món mới, nên bắt đầu với tinh bột đơn (ví dụ như gạo), sau đó là rau, củ, thịt'. Điều này cũng được ghi trong Hướng dẫn Dinh dưỡng cho Nhi Khoa của Viện Nhi Khoa của Mỹ năm 2014.

Trong báo cáo Hướng dẫn của Viện Nhi Khoa Canada cũng ghi: 'Trong 2-3 tuần đầu tiên ăn dặm, nên giới thiệu chỉ 1 loại thức ăn cho 2-3 ngày, khi bé chấp nhận, tiếp tục với chỉ 1 một loại khác cũng 2-3 ngày, cứ thế mà tiếp tục. Sau 1 tuần, có thể trộn 2 loại đã chấp nhận, cũng cho bé ăn 2 ngày, rồi tiếp tục với 2 món khác cho 2 ngày'.

Hướng dẫn này của Cơ Quan y tế các nước là giúp cho bé thích nghi với sự hoàn thiện của hệ thống tiết men tiêu hóa, giảm các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa khi ăn dặm (nguyên nhân chính làm bé biếng ăn, quay đầu, ngậm miệng sau 1 thời gian dài ăn bột) và hướng dẫn này cũng giúp các bé từng bước thích nghi với các loại thức ăn mới, ngăn ngừa dị ứng.

Các chuyên gia dinh dưỡng ở Anh cũng đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ: Sữa vẫn là dinh dưỡng tốt nhất với trẻ trước 6 tháng tuổi, và hãy đợi bé đúng độ tuổi ăn dặm mới bắt đầu giới thiệu thức ăn dặm cho bé. Hãy bắt đầu với việc tự làm thức ăn dặm, cho bé ăn tinh bột đơn (như cháo), rau củ, chuối, bơ, thịt, lòng đỏ trứng. Khi giới thiệu nên bắt đầu từng món, sau đó kết hợp 2 món, sau đó là 3 món. Từ từ từng bước sẽ không làm bé biếng ăn và giúp bé quen với cấu trúc cũng như mùi vị thức ăn tốt hơn.

BS dinh dưỡng Anh Nguyễn (ĐH Worcester - Anh)

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!