Chân vòng kiềng khá thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến các bà mẹ rất lo ngại. Chân vòng kiềng, hình dung nôm na là hai đầu gối và xương đùi cong, làm bé khi đứng hai đầu gối không sát vào nhau. Tuy nhiên, bạn chỉ nên lo lắng khi chân của bé cong từ trên đùi xuống bàn chân. Còn bé bị cong cẳng chân thì chưa thể gọi là chân vòng kiềng. Đó chỉ là tình trạng phát triển tự nhiên trong quá trình hình thành xương.
Phần lớn trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đều bị cong chân sinh lý do tư thế nằm ở trong bụng mẹ. Bạn không cần xoa bóp, tác động gì thì đến 1 tuổi, chân bé sẽ tự thẳng ra do xương tự điều chỉnh khi bé vận động và đi nhiều.
Từ 2-4 tuổi, hai đầu gối của bé có thể vẹo vào bên trong một chút. Từ 4-6 tuổi, hai chân bé sẽ thẳng trục trở lại. Những trường hợp này hoàn toàn không cần điều trị gì.
Bé có thể bị chân vòng kiềng nếu thiếu vitamin D. Vitamin D có tác dụng thúc đẩy cơ thể hấp thu can xi, phốt pho đảm bảo cho xương phát triển bình thường. Nếu chế độ ăn của bé thiếu vitamin D kéo dài sẽ làm giảm hấp thu sử dụng canxi, phốt pho trong cơ thể, khiến cho bé bị còi xương. Khi bé bắt đầu đứng hoặc tập đi, chân phải chịu lực của cơ thể, nếu bé bị bệnh còi xương hoặc quá mập mạp thì rất dễ bị chân vòng kiềng.
Ngoài ra, do phương pháp nuôi dưỡng không hợp lý như cho bé tập đứng, tập đi quá sớm, thường xuyên địu hoặc cõng bé trên lưng... đều dễ làm cho bé bị chân vòng kiềng.
BS. Đặng Phương Liên - Bộ Y tế cho biết: Khi trẻ nhỏ đi chân vòng kiềng trong thời gian tập đi, bạn không nên sốt ruột và so sánh với những bé khác bởi trong quá trình này, xương và khớp chân của bé đang tự điều chỉnh. Nhiều bà mẹ hay 'nắn chân' cho con với hy vọng bé sẽ có đôi chân dài và thẳng. Tuy nhiên, việc này không có tác dụng giúp làm thẳng chân bé mà chỉ giúp cho bé cảm thấy đỡ mỏi, điều hòa máu tốt và dễ chịu hơn.
Bạn nên cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cung cấp đủ lượng can xi và vitamin D cần thiết cho bé và cho bé tắm nắng. Tránh không nên cho bé ăn quá nhiều dễ dẫn tới tình trạng béo phì, tạo 'áp lực' với chân của bé.
Nếu bé lớn hơn mà chân vẫn bị cong nhiều, bạn có thể đưa bé đi khám bác sỹ để được điều trị'.
>>Xem thêm: Hỏi đáp về bệnh còi xương
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!