BS Nguyễn Thị Hòa: Biến chứng bệnh Thalassemia

Cần biết - 11/24/2024

Bệnh Thalassemia có thể giảm biến chứng bằng cách duy nhất là theo dõi và điều trị bệnh tích cực. BS. Nguyễn Thị Hòa sẽ làm rõ vấn đề này.

BS Nguyễn Thị Hòa: Biến chứng bệnh Thalassemia

Người bị Thalassemia có sức đề kháng kém hơn do phải đối phó với tình trạng oxy hóa sắt và tình trạng thiếu máu do vỡ hồng cầu. Vì thế, cần có một chế độ ăn giàu dinh dưỡng và cân bằng để bổ sung cho việc tạo hồng cầu mới và tăng cường sức đề kháng. Nên uống đủ nước, đặc biệt đối với các trường hợp đang phải thải sắt. Để giữ xương khỏe mạnh, hãy đảm bảo chế độ ăn có đủ canxi, kẽm, vitamin D và vitamin E. Bổ sung thêm axit folic cho việc tạo hồng cầu mới. Tránh dư thừa sắt người bệnh cần hạn chế các thức ăn giàu chất sắt hay bổ sung các loại vitamin hoặc khoáng chất chứa sắt.

Nếu bệnh nhân bị Thalassemia mức độ nặng hoặc trung bình, đã phải truyền máu nhiều lần thì mới cần phải hạn chế thức ăn nhiều sắt. Nếu chưa phải truyền máu, thì cần xét nghiệm về nồng sắt trong máu trước khi điều chỉnh chế độ ăn.

Cần dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc.

BS. Nguyễn Thị Hòa - Bác sĩ đa khoa - Bệnh viện đa khoa Đống Đa, cho biết:

Bệnh Thalassemia có thể gây ra nhiều biến chứng tùy vào thể bệnh như:

1. Ứ đọng sắt

Là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân thalassemia thể nặng.

Khi hồng cầu chứa hemoglobin bất thường của bệnh nhân bị phá hủy, hoặc hồng cầu được đưa vào (do truyền máu) già đi, một lượng sắt lớn được thải ra và dần dần ứ đọng trong các cơ quan (tụy, gan, tuyến yên, tim...), gây xơ hóa và suy tạng.

Bệnh nhân dễ chảy máu và nhạy cảm với nhiễm trùng.

Rối loạn nội tiết thứ phát ở bệnh nhân truyền máu nhiều lần, thể hiện bằng suy sinh dục, chiều cao giảm, tiểu đường, thiểu năng tuyến giáp, tuyến cận giáp.

2. Nhiễm trùng

Nguy cơ này đặc biệt tăng cao ở bệnh nhân bị cắt lách - cơ quan tạo miễn dịch quan trọng của cơ thể.

3. Biến dạng xương

Ở bệnh nhân mắc thalassemia thể nặng, hồng cầu bị phá hủy dẫn tới tăng sinh hồng cầu trong tủy xương để bù đắp thiếu hụt. Tăng sản tủy xương khiến xương bị biến dạng, trở nên xốp và dễ gãy. Các xương dẹt như xương sọ mặt bị biến dạng rất rõ. Trẻ bị thalassemia nặng có khuôn mặt khá giống nhau với trán gồ, mũi tẹt, xương hàm trên nhô ra.

4. Lách to

Chức năng sinh lý của lách:

Loại bỏ các tế bào bất thường như hồng cầu già, hồng cầu bất thường.

Sản xuất kháng thể, tham gia vào đáp ứng miễn dịch.

Kho dự trữ hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu để sẵn sàng phóng thích vào hệ tuần hoàn khi cần. Trong bệnh thalassemia, lách phải hoạt động quá mức để phá hủy các hồng cầu bất thường nên bị to ra. Lách to khiến thiếu máu trở nên trầm trọng, tuổi thọ của hồng cầu mà cơ thể nhận qua truyền máu cũng giảm, nguy cơ nhiễm trùng tăng. Trường hợp lách to quá mức, bệnh nhân cần phẫu thuật cắt lách.

5. Chậm phát triển

Thiếu máu làm chậm quá trình phát triển nói chung cũng như quá trình dậy thì của trẻ.

6. Bệnh lý của tim

Biến chứng ở tim là một trong những nguyên nhân tử vong chính ở bệnh nhân thể nặng. Nguyên nhân là do ứ đọng sắt quá mức trong cơ tim, gây suy tim xung huyết và loạn nhịp tim.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!