Bụng có nhịp đập như tim là bệnh gì?

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Ở những người gầy có lớp mỡ và cơ bụng rất mỏng thì việc sờ được mạch đập của động mạch chủ bụng, như thấy nhịp tim.

Hỏi:

Em để tay lên bụng thấy mạch đập mạnh giống như nhịp tim, bác sĩ bảo không sao nhưng em vẫn sợ. Em đi siêu âm, bác sĩ bảo là động mạch chủ ở bụng đập, không có tình trạng phình hay giãn. Em vẫn thấy lo lắng. Xin cho em lời khuyên. (docgia).

Trả lời:

Chào bạn,

Bệnh lý phình động mạch chủ bụng xảy ra khi một đoạn động mạch chủ bụng phình lên như trái bóng hoặc túi nhỏ. Động mạch chủ bụng là mạch máu lớn, cung cấp máu cho phần bụng, vùng chậu và 2 chân. Có rất nhiều yếu tố góp phần làm động mạch chủ bụng dễ phình lên như tăng huyết áp, thuốc lá, tăng cholesterol, xơ vữa động mạch, béo phì, yếu tố di truyền, bệnh xảy ra ở nam giới nhiều hơn...

Bụng có nhịp đập như tim là bệnh gì?

Phình động mạch chủ bụng có thể gặp ở mọi người (Ảnh minh họa: Womenshealth)

Phình động mạch chủ bụng có thể hình thành ở bất cứ người nào, nhưng thường gặp nhất ở nam trên 60 tuổi, có một hay nhiều yếu tố nguy cơ kể trên. Phình động mạch càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao. Túi phình phát triển từ từ trong nhiều năm và không gây ra triệu chứng rõ rệt. Nếu túi phình lớn nhanh, rách ra (vỡ phình), hoặc máu chảy dọc theo thành động mạch (bóc tách động mạch), các triệu chứng có thể đến đột ngột gây yếu liệt chi thậm chí tử vong nhanh chóng do mất máu cấp tính.

Ở những người gầy có lớp mỡ và cơ bụng rất mỏng thì việc sờ được mạch đập của động mạch chủ bụng như bác sĩ giải thích là có thể, giống như bạn mô tả có thể sờ thấy mạch đập mạnh giống như nhịp tim ở vùng bụng. Siêu âm bụng là phương tiện chẩn đoán đơn giản và an toàn, không xâm lấn để khảo sát kích thước động mạch chủ bụng xem có bị phình hay giãn không. Bạn cũng đã siêu âm kiểm tra với kết quả bình thường. Tuy nhiên, vì trong thư bạn không đề cập đến kích thước của động mạch và bản thân có bao nhiêu yếu tố nguy cơ gây phình mạch máu như kể trên nên tôi chưa thể tư vấn cụ thể hơn được.

Nếu vẫn còn lo lắng, bạn có thể đến bệnh viện có chuyên khoa mạch máu để kiểm tra. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn cho bạn.

Thân ái.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu
Phó trưởng khoa Cấp cứu
Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!