Từ đầu năm đến nay cả nước có nhiều ổ dịch do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy hơn 43.000 con gia cầm tại một số tỉnh.
Theo đó, cục thú y đã yêu cầu các chi cục thú y vùng lập đoàn công tác đến các địa phương đang có ổ dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, các địa phương có ổ dịch cũ và địa phương có nguy cơ cao,… để kiểm tra, đôn đốc, đồng thời hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tại TP.HCM, để chủ động kiểm soát, phòng, chống bệnh cúm gia cầm, đồng thời không để dịch bệnh xảy ra và lây lan trên địa bàn, UBND TP đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm và đồng bộ tất cả các giải pháp để phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Việc giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép tại nhiều địa bàn đã gây nguy cơ xảy ra dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm. Theo đó, Luật quy định rõ, việc giết mổ, buôn bán gia cầm trái phép sẽ bị xử lý nghiêm.
Theo luật sư Lê Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM tại Khoản 5, Điều 8 Nghị định 90/2017 thì hành vi vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm thì có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật.
Trường hợp sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng theo quy định tại Điều 4 Nghị định 115/2018. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm
Nếu vượt qua mức xử lý hành chính thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 317 BLHS, khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là 20 năm tù.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!