Trong điều trị lao, việc phân loại bệnh lao nhằm giúp chẩn đoán chính xác đó là bệnh lao phổi hay lao ngoài phổi, từ đó có biện pháp điều trị thích hợp.
Phân loại bệnh lao theo vị trí giải phẫu gồm có:
Lao phổi: Là vi khuẩn lao gây tổn thương ở phổi và phế quản, gồm cả lao kê. Tuy nhiên, nếu có tổn thương phối hợp ở cả phổi và các cơ quan ngoài phổi thì đều được phân loại chung là lao phổi.
Lao ngoài phổi: Là vi khuẩn lao gây tổn thương ở các cơ quan bên ngoài phổi như màng phổi, hạch, màng bụng, cơ quan sinh dục và tiết niệu, da, xương, khớp, màng tim, màng não,... Trong trường hợp bệnh lao ở nhiều bộ phận, nhưng bộ phận nào có tổn thương nặng nhất như lao màng não, lao xương, hay lao khớp... thì được xác định là chẩn đoán chính.
Phân loại bệnh lao ngoài phổi
Đa phần bệnh nhân mắc lao đều là lao phổi. Các bệnh lao ngoài phổi chiếm tỷ lệ thấp hơn, nhưng bệnh cũng cần được lưu ý để kịp thời phát hiện và có hướng điều trị thích hợp, tránh bỏ sót. Một số bệnh lao ngoài phổi thường gặp như:
Bệnh lao gây tràn dịch màng phổi: Triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh là đau ngực, khó thở với mức độ tăng dần, tiến hành khám phổi thì thấy có hội chứng 3 giảm. Siêu âm màng phổi thấy có dịch.
Bệnh lao hạch thường gặp ở cổ.
Bệnh lao gây tràn dịch màng tim: Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào lượng dịch và tốc độ hình thành dịch ở màng tim. Bệnh có triệu chứng là đau ngực, khó thở, nổi tĩnh mạch cổ, chi dưới phù, nhịp tim nhịp nhanh, huyết áp kẹt, mạch đảo ngược nếu có hội chứng ép tim cấp tính. Nghe thấy có tiếng cọ màng tim ở giai đoạn sớm hoặc tiếng tim mờ khi tràn dịch nhiều. Chụp phim Xquang ngực cho hình bóng tim to, có hình giọt nước, hình đôi bờ. Siêu âm thấy có dịch màng ngoài tim.
Bệnh lao gây tràn dịch màng bụng: Sờ ổ bụng thấy các u cục, đám cứng. Các hạch dính vào ruột gây tắc hoặc bán tắc ruột. Siêu âm ổ bụng cho thấy hình ảnh gợi ý lao màng bụng như hạch mạc treo to, hạch sau màng bụng, có dịch khu trú giữa các đám dính. Tiến hành nội soi ổ bụng có thể thấy các hạt lao.
Bệnh lao hạch: Thường gặp ở cổ. Hạch sưng to, kết cấu chắc, di chuyển được, sờ không đau nhưng sau đó các hạch dính vào nhau và kém di động, hạch có thể nhuyễn hóa và rò mủ. Bệnh lao hạch có thể được chữa khỏi hẳn.
Bệnh lao màng não - não: dấu hiệu của bệnh lý viêm màng não thường khởi phát bằng dấu hiệu đau đầu tăng dần và rối loạn tri giác. Khám thấy có dấu hiệu cổ cứng và Kernig dương tính. Tổn thương dây thần kinh sọ não và thần kinh khu trú, rối loạn cơ tròn. Tổn thương tủy sống gây liệt 2 chi dưới.
Bệnh lao xương khớp: Thường gặp ở xương cột sống với các triệu chứng như đau lưng, hạn chế trong vận động, đau đốt xương sống bị tổn thương trong giai đoạn sớm. Ở giai đoạn muộn, bệnh gây biến dạng gù xương cột sống hoặc liệt do tủy sống bị chèn ép.
Bệnh lao tiết niệu - sinh dục: Triệu chứng thường gặp là rối loạn bài tiết như tiểu buốt, tiểu rắt kéo dài từng đợt, thuyên giảm sau khi điều trị kháng sinh nhưng có tái phát, có thể tiểu ra máu không có máu cục, nước tiểu có màu đục, đau vùng thắt lưng âm ỉ. Ở nam giới, lao sinh dục có thể gây sưng đau tinh hoàn và mào tinh hoàn, tuy nhiên, ít gặp trường hợp viêm cấp tính hay tràn dịch màng tinh hoàn. Ở nữ giới, lao sinh dục có thể gây tiết dịch âm đạo bệnh lý hay khí hư, rối loạn kinh nguyệt, về lâu dài có thể dẫn đến mất kinh nguyệt và vô sinh.
Một số thể lao ngoài phổi ít gặp khác như: lao da, lao lách, lao gan...
Các lưu ý cần thiết trong phòng ngừa bệnh lao
Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, có thể lây truyền từ mẹ sang con, trong đó lao phổi có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất.
Vi khuẩn lao lan truyền ra ngoài không khí dưới hình dạng những hạt vi thể nhỏ li ti mà mắt thường không nhìn thấy được khi người mắc bệnh lao có triệu chứng ho, hắt hơi hay nói chuyện. Người khỏe mạnh có thể hít phải những hạt vi thể chứa vi trùng lao và nhiễm bệnh. Ngoài ra, vi khuẩn lao còn có khả năng xâm nhập vào cơ thể nếu chúng ta sử dụng các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn.
Phần lớn người bị nhiễm lao là do tiếp xúc nhiều và thường xuyên với người bệnh. Vì vậy, nếu gia đình có người mắc bệnh lao phổi thì cần cho người bệnh sinh hoạt riêng, môi trường sống cần sạch sẽ, thoáng mát. Cần chú ý hạn chế trẻ em dưới 5 tuổi tiếp xúc với người bệnh.
Trong trường hợp cơ thể xuất hiện các triệu chứng ho kéo dài, ra nhiều mồ hôi ban đêm, mệt mỏi, chán ăn, sốt về chiều thường xuyên thì cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để làm các xét nghiệm phát hiện bệnh lao và chữa trị kịp thời.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!