PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Người gắn cuộc đời với công tác chống bệnh lao ở Việt Nam

Thời sự - 11/24/2024

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương vẫn thường được đồng nghiệp gọi là 'ông chống Lao', bởi ông là người luôn trăn trở với công tác phòng, chống lao tại Việt Nam.

Bệnh lao - một trong những bệnh từng được coi là 'tứ chứng nan y', với mức độ lây lan, khó điều trị không khác gì dịch Sars và Covid-19, từng khiến cả nhân loại kinh hoàng. Sau hơn 30 năm 'tuyên chiến' với bệnh lao, Quốc tế đã ghi nhận Việt Nam trở thành quốc gia hình mẫu trong việc phòng, chống bệnh lao trên toàn cầu. Cùng với đó, một bác sĩ người Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật phòng chống lao trên toàn cầu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về phòng chống bệnh lao toàn cầu, chính là PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương.

Đưa chuyên ngành lao lên bản đồ y học thế giới

Gặp PGS.TS Nguyễn Viết Nhung tại bệnh viện Phổi Trung ương, người vẫn được đồng nghiệp thường gọi là 'ông chống Lao', bởi ông là người luôn trăn trở với công tác phòng, chống lao tại Việt Nam. Lúc nào cũng vậy, cứ có thời gian là ông lại vùi đầu vào nghiên cứu để tìm ra phác đồ có thể rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao, hỗ trợ tốt hơn cho người bệnh. Bởi lẽ, bệnh lao hiện nay vẫn được cho là bệnh của người nghèo, khi thống kê gần đây cho thấy trong hơn 100.000 người mắc lao, có đến hơn 70% là người nghèo. Thời gian điều trị càng lâu thì họ lại càng gặp nhiều khó khăn trước khi có thể chữa khỏi. Cũng chính vì vậy mà mặc dù đã có thuốc chữa, nhưng theo thống kê, bệnh lao mỗi năm vẫn cướp đi sinh mệnh của hơn 13 nghìn người tại Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung: Người gắn cuộc đời với công tác chống bệnh lao ở Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung luôn đau đáu về một Việt Nam không còn bệnh lao.

Kể với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, ngay từ nhỏ đã chứng kiến những khó khăn, vất vả xen lẫn những cảm xúc khi chứng kiến bố của ông thường xuyên thức trắng đêm chữa bệnh cho người dân, nhất là cứu được người bệnh đã lâm vào cảnh 'thập tử nhất sinh'. Ngay từ đó, niềm say mê với nghề y đã thấm từ từ và tạo ra ước mơ trở thành bác sĩ của ông, tiếp nối truyền thống đã lưu truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình. Kể từ khi bước chân vào cổng trường Đại học Y Hà Nội, cho đến khi ra trường, lúc về công tác với vị trí bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Phổi Trung ương, ông luôn đau đáu với công tác phòng, chống lao. Có thể nói, ông đã gắn cuộc đời mình, với 36 năm với công tác chống bệnh lao ở Việt Nam, từ lúc tóc còn xanh đến nay đã điểm bạc mái đầu.

Cũng bằng ấy năm gắn bó với Bệnh viện Phổi Trung ương, ông đã tiếp nối và truyền cảm hứng cho hàng nghìn cán bộ, y, bác sĩ trong ngành lao Việt Nam. Đồng thời ông cũng là người luôn nỗ lực tiếp thu công nghệ mới trong khám và điều trị căn bệnh nguy hiểm này. Nhờ đó, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đã dẫn dắt chuyên ngành lao gặt hái được những thành công ngay trong nhiệm kỳ lãnh đạo đầu tiên. Đồng thời, khẳng định được sự lớn mạnh và phát triển không ngừng để chuyên ngành lao Việt Nam có tên trên bản đồ y học thế giới. Tiếp nối những truyền thống của những vị lãnh đạo đi trước, ông đã đi sâu và cập nhật kỹ thuật mới trong điều trị bệnh. Qua đó, từng bước áp dụng thành công những công nghệ tiên tiến vào điều trị và chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân.

Nhiều đồng nghiệp của ông cho biết, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung trong mắt những cán bộ, y bác sĩ là hình mẫu tiêu biểu, truyền cảm hứng cho chuyên ngành lao trên cả nước. Chưa bao giờ ngừng nghiên cứu về bệnh lao, ông đã từng bước chinh phục những kỹ thuật đỉnh cao của thế giới, áp dụng vào nhu cầu khám, điều trị của bệnh nhân.

Đã có 'chìa khóa' để chấm dứt bệnh lao

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung là người đầu tiên tham gia vào Hội đồng tư vấn chiến lược chấm dứt bệnh lao của WHO. Ông có nhiều hợp tác phát triển kỹ thuật, nghiên cứu với các nước như Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh… Với ngọn lửa đam mê và sự tận tâm, ông đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cho mỗi vị trí, điều ấy đã làm nên sự thay đổi rõ rệt tại Bệnh viện Phổi Trung ương như hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, hiện nay tại Việt Nam việc đổi mới công nghệ như kỹ thuật trong chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh lao sẽ là 'chìa khóa' để mở cánh cửa chấm dứt bệnh lao. Các thiết bị kỹ thuật cho tới thời điểm này rất hiện đại. Theo đó, trước kia nếu xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao bằng soi kính hiển vi thì phải đợi tới khi nồng độ vi khuẩn là trên 5000/1ml mới phát hiện ra. Đến nay, với kỹ thuật tiên tiến, hiện đại chỉ cần 10 vi khuẩn/1ml thì đã phát hiện được. Đáng chú ý, với công nghệ mới sẽ nhanh chóng đánh giá được mức độ của bệnh và có kháng thuốc hay không. Đây có thể nói là một cuộc cách mạng công nghệ mà Việt Nam cần áp dụng càng sớm càng tốt. Theo ước tính tại nước ta còn khoảng 50 nghìn người mắc lao hằng năm chưa được phát hiện kịp thời và đó chính là nguyên nhân làm chậm tiến trình công bố chấm dứt bệnh lao. Tuy vậy, PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm, nhiều năm qua đã cùng với đội ngũ các y, bác sỹ bệnh viện, kiên cường bám trụ, chiến đấu với bệnh lao nhằm hướng tới loại trừ căn bệnh này khỏi cộng đồng vào năm 2030.

Tại bệnh viện, PGS.TS. Bác sỹ Nguyễn Viết Nhung luôn nhắc nhở các đồng nghiệp, hãy nghĩ nếu bệnh nhân ấy là người thân của mình thì làm thế nào? Nếu để làm đúng, làm chuẩn mà muộn ngày nào mà có thể khiến sự cố không may xảy ra với người bệnh, cho dù đúng quy trình hiện hành, sẽ vẫn là nỗi ân hận cả đời của người thầy thuốc. Chính vì vậy mà ở Bệnh viện Phổi Trung ương, các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luôn có thái độ niềm nở, thân thiện với người bệnh, luôn cảm thông với nỗi đau của người bệnh. Bệnh viện thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân, với phương châm: 'Một mũi tiêm không đau, một y lệnh điều trị thuốc an toàn'. Bởi theo ông, phần thưởng lớn nhất của người thầy thuốc chính là người bệnh được chữa khỏi, điều đó cũng làm ông chưa bao giờ thôi suy nghĩ tìm kiếm các giải pháp, công nghệ mới để đẩy mạnh hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống bệnh lao ở Việt Nam.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!