Các bệnh sạm da khu trú

Cần biết - 05/13/2024

Tàn nhang là một loại bệnh sạm da khu trú nên cần được điều trị theo phương pháp phù hợp.

Khi tăng sinh nhiều, các hắc tố được giải phóng khỏi lớp tế bào đáy và tích lũy ở các hắc tố bào, ứ đọng ở cả lớp tế bào gai và phần trên của trung bì; da sẽ chuyển từ màu bình thường sang màu vàng sáng đến màu nâu đen, cuối cùng là màu đen sạm, không mất khi ấn vào. Bệnh sạm da có thể lan rộng toàn thân hoặc khu trú ở từng vùng của cơ thể tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

Các bệnh sạm da khu trú ở từng vùng của cơ thể thường gặp là tàn nhang, rám da, dải sạm da trán, bệnh hắc tố Riehl, sạm da do nhiễm độc nghề nghiệp, bệnh da nhiễm sắc quanh miệng Brocq.

Tàn nhang

Đây là bệnh có tính di truyền trội vì đã gặp trường hợp trên thực tế cùng một gia đình nhưng có nhiều người bị mắc chứng tàn nhang. Biểu hiện lâm sàng là những vết sắc tố nhỏ bằng đầu đinh ghim riêng rẽ hoặc liên kết với nhau, có hình tròn, màu nâu sáng và màu nâu sẫm; bờ rõ, không đều; không có cảm giác chủ quan gì đặc biệt.

Các vết tàn nhang thường khu trú ở hai bên mũi và má ở phần hở, sắp xếp có tính đối xứng. Chúng có thể xuất hiện ở mặt sống các đốt ngón tay, bả vai, cẳng tay và phần trên lưng nhưng hiếm thấy. Bệnh lý thường gặp ở những người trẻ tuổi và những người có da trắng mịn. Vào mùa xuân hè, do ảnh hưởng của nắng nên số lượng và cường độ sạm của các vết tàn nhang tăng lên rõ rệt, tác dụng của tia X cũng tương tự.

Đến mùa thu đông, các vết tàn nhang mờ đi có thể không nhận thấy rõ và một số vết hoàn toàn mất. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở tuổi nhi đồng, tuổi càng tăng thì bệnh có xu hướng giảm nhẹ dần. Cấu tạo mô học của vết tàn nhang nhìn chung là một sự tích tụ hắc tố ở lớp tế bào đáy của biểu bì, có khi cả trong lớp tế bào gai; ở phần trên của trung bì cũng có một số tế bào hắc tố.

Các vết tàn nhang trên thực tế không ảnh hưởng gì đến tình hình sức khỏe chung mà chỉ mang tính chất thẩm mỹ. Có thể điều trị dự phòng bằng các loại kem chống nắng, nhất là về mùa hè. Thành phần của các loại kem này gồm có hoạt chất chính là salon, quinin, tanin hoặc kẽm oxít với tỉ lệ 5 - 10% pha trong tá dược là vaselin, lanolin và nước cất như: salon 1,5 - 3g; lanolin 10g; vaselin 10g; nước cất 10g.

Khi đã có vết tàn nhang, có thể điều trị thử bằng cách bôi các loại thuốc bong vảy, khử oxy hoặc các thuốc làm nhạt màu như mỡ resorcin, mỡ salicylique hoặc thủy ngân với tỉ lệ 10%; thấm nước oxy già 20 thể tích hoặc dung dịch 25% phenol pha với ê-te sulfuric, nên pha và dùng ngay không được để lâu; có thể kết hợp điều trị toàn thân bằng nhiều đợt thuốc vitamin C.

Các bệnh sạm da khu trú

Tàn nhang là một loại bệnh sạm da khu trú cần được điều trị theo phương pháp phù hợp

Rám da

Thường gặp ở phụ nữ mang thai bắt đầu từ tháng thứ hai trở đi và tự biến mất sau sinh đẻ; khi bắt đầu có kinh nguyệt thì xuất hiện trở lại. Thực tế có những trường hợp đặc biệt với vết rám da tồn tại hàng năm cho đến khi phụ nữ mãn kinh nguyệt và cả sau thời kỳ mãn kinh nguyệt. Rám da còn có thể gặp ở phụ nữ bị mắc các bệnh phụ khoa mạn tính như viêm tử cung, viêm phần phụ... T

riệu chứng ghi nhận là những vết màu nâu sắp xếp đối xứng ở da mặt, nhất là ở bên má nên thường được gọi là rám má và ở trán. Các vết rám da có kích thước khác nhau, bờ rõ nhưng không đều. Bên cạnh những vết rám to có những vết rám nhỏ, có những vết màu sạm đều nhưng cũng có những vết sạm hình mạng lưới; không đỏ da, bong vảy; không teo da, giãn mạch máu và không ngứa.

Kết hợp với vết rám sạm da ở vùng mặt, còn có thể thấy vết rám sạm da ở đường giữa bụng, các núm vú và vùng âm hộ. Ngoài ra, vết rám da còn gặp trong trường hợp bị mắc các bệnh về gan, giun sán hoặc nội tiết. Trước đây các nhà khoa học đã mô tả một bệnh lý gọi là bệnh rám da đồng đen chỉ gặp tại một số vùng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia... có dấu hiệu xuất hiện trên da với những vết riêng rẽ có giới hạn hoặc những vết lan rộng màu sạm như chì, khu trú ở da mặt, ở cổ và có khi ở ngực; đây là một loại bệnh mạn tính, điều trị dai dẳng và có liên quan đến bệnh sốt rét, bệnh da nhiễm bạc hoặc bệnh da xám nâu; thực tế bệnh có chiều hướng giảm dần hoặc biến mất khi người bệnh chuyển đến ở vùng có khí hậu tốt hơn.

Lời khuyên của thầy thuốc

Như đã nêu ở trên, sạm da khu trú thực tế có nhiều thể bệnh khác nhau. Vì vậy khi bị mắc bệnh với dấu hiệu nghi ngờ cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và xác định nguyên nhân gây bệnh cụ thể. Việc điều trị chỉ đạt hiệu quả tốt khi khắc phục được nguyên nhân gây bệnh và người bệnh phải tuân thủ quy trình chữa trị với thời gian kiên trì theo yêu cầu của phương pháp chỉ định. Đối với những người có nhạy cảm với các yếu tố nguy cơ gây sạm da khu trú, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ da khỏi bị tác động ảnh hưởng.

Về điều trị, cần xử trí can thiệp nguyên nhân gây nên như các bệnh rối loạn nội tiết, bệnh phụ khoa và các bệnh khác nếu có. Cần điều trị toàn thân giống như các bệnh sạm da khác như dùng vitamin C liều cao trong thời gian dài khoảng 20 - 30 ngày, mỗi ngày 1 - 2g; nếu có điều kiện nên tiêm tĩnh mạch ít nhất trong đợt đầu khoảng 10 - 20 ngày. Với bệnh lý rám da ở phụ nữ có thai, có thể điều trị vitamin B6 (pyridoxine) và các loại vitamin nhóm B khác như B12, B1, B2.

Các loại thuốc bôi ngoài da thường cho kết quả điều trị thất thường. Có thể dùng các loại thuốc bong vảy, thuốc khử oxy như đối với bệnh tàn nhang, mỗi đợt không dùng quá 10 ngày, cần theo dõi phản ứng nhất là trong thời kỳ mang thai. Phòng bệnh rám da bằng cách tránh ánh nắng và dùng các loại thuốc bôi bảo vệ da chống nắng.

Dải sạm da trán

Bệnh còn được gọi là cung nâu trán, chỉ khu trú ở trán và thường gặp ở phụ nữ do các bệnh thần kinh mạn tính, chứng loạn thần kinh thực vật, bệnh giang mai, rối loạn nội tiết sinh dục, thiếu vitamin, kết hợp với bệnh đường ruột. Yếu tố cơ địa da mỡ và tia nắng là những điều kiện thuận lợi để phát sinh bệnh.

Triệu chứng lâm sàng ghi nhận là sạm da thành dải giống như rám da, có hình vòng cung hoặc hình nhẫn trải rộng từ thái dương bên này sang đến thái dương bên kia, rộng khoảng 1cm, cách chân tóc bởi một vùng da lành. Tình trạng sạm da đều hoặc gồm những đám nhỏ nối tiếp nhau, ở hai thái dương bè ra thành vết thẳng đứng làm cho dải da sạm có hình vòng cung, đây là đặc điểm giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh sạm da khác ở vùng mặt.

Việc điều trị phải căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh kết hợp với điều chỉnh tình trạng thiếu vitamin như vitamin B6, PP, C. Vitamin B6 dùng liều 0,10g hàng ngày thường cho kết quả tốt. Chú ý điều trị rối loạn đường ruột, điều trị với các nội tiết tố như nội tiết tố kìm hãm tuyến yên. Có thể chiếu quang tuyến X vùng thần kinh giao cảm ở cổ vì trên thực tế đã được áp dụng và cũng cho kết quả tốt.

Bệnh hắc tố Riehl

Còn gọi là bệnh sạm da Riehl được phát hiện tại một số nước trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, chủ yếu xảy ra ở phụ nữ từ 30 - 50 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chưa được hoàn toàn biết rõ nhưng nhà khoa học Riehl cho rằng có thể do thiếu dinh dưỡng trong thời kỳ chiến tranh; các nhà khoa học khác xác nhận trong lương thực, thực phẩm có nhiều tạp chất, thiếu nhiều vitamin nhất là vitamin B, PP, C... do điều kiện bảo quản không tốt, làm da tăng sự cảm ứng đối với ánh sáng. Ánh sáng có khả năng tác động như là một yếu tố thuận lợi trong quá trình làm phát sinh và phát triển bệnh. Bệnh nhân có thể kèm theo rối loạn tiêu hóa, có trường hợp tổn thương ở da biến mất sau khi điều trị khỏi bệnh viêm đại tràng mạn tính.

Một số nhà khoa học thấy trong bệnh hắc tố Riehl chất đồng trong huyết thanh giảm, đồng thời cũng thấy yếu tố thần kinh nhất là thần kinh giao cảm cũng giữ vai trò quan trọng. Tình trạng sang chấn tinh thần, xúc động, lo lắng, buồn bực, nhất là lo sợ có thể làm bệnh xuất hiện và nặng thêm. Tình trạng rối loạn nội tiết thường không được xác định rõ.

Thực tế bệnh thường xuất hiện sau thời gian chịu tác động của tia nắng, bắt đầu da đỏ do nắng kèm theo ngứa, khi triệu chứng ngứa và đỏ da giảm thì tình trạng sạm da lại phát triển; dần dần mức độ và diện tích của da sạm tăng lên, đặc biệt là về mùa nắng. Một số trường hợp bệnh bắt đầu ngay bằng triệu chứng sạm da, khởi đầu da sạm thành những chấm nhỏ đối xứng, sau liên kết với nhau thành mảng lớn.

Vị trí khu trú đặc biệt là ở hai thái dương, trán, má, chung quanh miệng, mũi, mắt; ở trán, da sạm cách chân tóc khoảng 1cm; da ở mũi, mép mũi, môi, cằm thường không bị sạm. Một số trường hợp thấy sạm da ở vùng hở, ở tam giác cổ áo, ở hai bên cổ có thể nghĩ đến tác động của cảm ứng ánh sáng. Những vùng da khác của cơ thể như cẳng tay, bàn tay và vùng giữa ngực ít khi bị sạm.

Vết sạm da có thể đều hoặc hình mạng lưới nhất là ở vùng thái dương và vùng trán, mắt lưới là những lỗ chân lông màu da bình thường không bị sạm. Da sạm có thể từ màu nâu sáng đến màu nâu sẫm, có khi thâm tím; dấu hiệu sạm da thường kéo dài, có từng đợt có thể giảm đi nhưng rồi lại tái phát.

Một nhà khoa học khác đã mô tả một thể bệnh lâm sàng của bệnh hắc tố Riehl trên nền da sạm hình mạng lưới có giãn mạch. Về mô tế bào học, tại vùng da bị sạm thấy tăng hắc tố ở lớp tế bào của nhú bì và dưới nhú bì; đồng thời thường kèm theo teo tóp lớp tế bào gai, ở lớp tế bào đáy có loạn sản ở mức độ khác nhau và giảm hắc tố.

Việc điều trị cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để có chỉ định phương pháp phù hợp. Điều trị tại chỗ bằng các loại thuốc làm nhạt màu, khử oxy ít có tác dụng. Cần tránh nắng và bảo vệ da vùng hở như da mặt bằng các loại kem chống nắng, hạn chế hoặc bỏ hẳn các mỹ phẩm, kem, dầu bôi trang sức ở mặt; điều chỉnh sự mất cân đối trong chế độ ăn, trong rối loạn tiêu hóa, nội tiết và rối loạn chức năng gan.

Các loại thuốc an thần như seduxen, gardenal, bromure... có tác dụng tốt. Nên điều trị trong nhiều tuần, nhiều tháng với các loại vitamin C, PP, B. Một số nhà khoa học khuyên có thể chiếu tia X ở vùng gáy, tác dụng trên giao cảm thần kinh cổ. Cũng có thể dùng cách tiêm oxy dưới da, mỗi lần 200 - 300ml, trung bình 2 - 3 lần một tuần; tiêm vùng sau lưng giữa hai xương bả vai, mỗi đợt điều trị từ 6 - 12 - 15 lần tùy theo từng trường hợp.

Việc điều trị thử được thực hiện bằng điện châm và thủy châm với novocain, vitamin C và B1; trường hợp sạm da mặt, chọn các huyệt ở mặt; trường hợp sạm da lan rộng, chọn các huyệt liên quan đến thận, gan và thần kinh; tiêm vào các huyệt đã chọn 0,5ml các loại thuốc nói trên; dùng kim châm cứu châm vào các huyệt đó và nối liền với các cực của máy điện châm; châm hàng ngày hoặc cách một ngày châm một lần; mỗi đợt điều trị 30 - 40 lần trong khoảng thời gian 1,5 - 2 tháng; nếu cần có thể tiếp tục đợt khác sau thời gian nghỉ 1 tháng, thực tế có khoảng 70% các trường hợp có kết quả giảm bệnh rõ rệt.

Sạm da do nhiễm độc nghề nghiệp

Bệnh gây nên bởi tác dụng của hydrocarbure than đá, dầu hỏa và các sản phẩm của các chất đó dùng trong nhiều ngành công nghiệp. Có hai cơ chế về nguồn gốc gây bệnh cần được xem xét là tác dụng của các chất tiếp xúc từ môi trường bên ngoài và tính cảm ứng với ánh sáng; tính cảm ứng đó không phải chỉ do các chất quang động như các dẫn xuất của than đá, dầu hỏa, các chất màu tác dụng trực tiếp trên da mà còn do tiếp xúc qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa làm tăng cảm ứng của da đối với ánh sáng.

Bệnh được diễn biến qua ba giai đoạn lâm sàng: giai đoạn đầu hơi đỏ da ở mặt và cẳng tay, có khi kèm theo ngứa; về sau vùng da giáp chân tóc và hai bên thái dương bắt đầu có vết sạm da hình mạng lưới; cẳng tay và vùng rốn cũng sạm da giống như ở mặt kèm theo dày sừng các lỗ chân lông.

Giai đoạn hai có mức độ sạm da tăng rõ rệt, vết sạm da có thể xuất hiện trên nền da ứ huyết; da càng ngày càng sạm, cuối cùng có màu sạm đen, nâu sẫm; có thể thấy rõ dấu hiệu giãn mạch ở một số điểm trên vùng da bị sạm; hiện tượng dày sừng các nang lông tăng rõ, xuất hiện bong vảy và có thể teo da nhẹ.

Giai đoạn ba có đặc tính là vết sạm da hình mạng lưới, toàn bộ da có thể sạm như chì, teo da thể hiện rõ nhất ở lớp da mỏng; toàn trạng cơ thể có thể bị ảnh hưởng như mệt mỏi, ăn không ngon, nhức đầu, thị lực giảm sút.

Việc điều trị toàn thân được thực hiện như trong điều trị bệnh hắc tố Riehl. Xử trí điều trị tại chỗ trong giai đoạn đầu bằng các loại thuốc làm dịu da, chống ngứa, bong vảy nhẹ, pha trong nước hoặc cồn như hồ nước, cồn salicylic 3 - 5%.

Trong quá trình điều trị và dự phòng, cần tránh tiếp xúc với chất hydrocarbure, dầu mỡ, than, hơi than, hơi khói và tránh làm việc, lao động ở ngoài nắng. Cần có biện pháp bảo vệ an toàn lao động nếu phải tiếp xúc với các chất có khả năng gây nhiễm độc và nên chuyển nghề nếu thấy cần thiết.

Bệnh da nhiễm sắc quanh miệng Brocq

Đây là bệnh sạm da có tính đối xứng quanh miệng, cằm và mũi - má; trên thực tế bệnh lý này hầu như chỉ xuất hiện ở phụ nữ trung niên. Bệnh thường kéo theo rối loạn tiêu hóa và thần kinh.

Triệu chứng lâm sàng ghi nhận là những vết màu nâu ngả vàng, giới hạn không rõ, cường độ sạm da tăng dần, thường không có triệu chứng gì chủ quan đặc biệt. Trên vùng da sạm không có bong vảy và tăng tiết chất bã, nếu có cũng chỉ có rất ít vảy da ở rãnh mũi - má. Ấn vào thấy màu da sạm giảm và mất đỏ da kết hợp trên nền da sạm.

Bệnh tiến triển chậm, phát triển từng đợt và có thể tự khỏi. Ngoài hình thái lâm sàng đã nêu trên, thực tế còn có một thể bệnh khác cũng thường gặp với khởi đầu bằng triệu chứng hồng ban bong vảy nhẹ, giới hạn tương đối rõ, có tính chất của một á sừng trên vùng da mỡ; về sau vết sạm da xuất hiện dần, trên vùng da sạm có ngứa ít và bong vảy nhỏ như cám, rõ nhất là lúc khởi đầu; loại bệnh lý này được gọi là bệnh á sừng nhiễm sắc quanh miệng; về nguyên nhân gây bệnh có hai yếu tố là yếu tố tại chỗ với sự kết hợp giữa tăng tiết chất bã, nhiễm khuẩn như trong bệnh chàm khô và yếu tố toàn thân có thể do rối loạn nội tiết tố sinh dục của buồng trứng.

Về điều trị bệnh, cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để sử dụng các thuốc điều trị toàn thân. Có thể dùng các nội tiết số sinh dục như andrrogen, estrogen, các loại vitamin B và C, kháng sinh. Đồng thời cũng có thể điều trị tại chỗ bằng cách sử dụng dung dịch lưu huỳnh 4% bôi buổi sáng, cồn iốt 1% bôi buổi chiều.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!