Các bệnh thường gặp ở tuyến tiền liệt

Giới tính - 12/22/2024

Tuyến tiền liệt (TTL) là một cơ quan thuộc hệ thống sinh sản ở nam giới. Bệnh ở TTL là một vấn đề sức khỏe khá thường gặp ở nam giới, nhất là khi lớn tuổi.

Triệu chứng bệnh thường âm ỉ kéo dài nhưng người bệnh lại âm thầm chịu đựng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Cấu tạo và chức năng của TTL

TTL có kích thước bằng quả óc chó và nằm ở đáy bàng quang. TTL gồm 70% mô tuyến và 30% lớp đệm mô sợi cơ. Đi bên trong tuyến là ống niệu đạo, dẫn nước tiểu và tinh dịch đi ra khỏi dương vật.

TTL có 2 chức năng chính:

Tiết ra dịch trong tinh dịch: TTL có nhiệm vụ kết hợp cùng những tuyến phụ khác sản xuất ra dịch trong tinh dịch. Chất dịch này sẽ trộn lẫn với tinh trùng, giúp tinh trùng thuận tiện di chuyển trong hệ thống sinh dục của nam và còn giúp làm nhờn niệu đạo khi xuất tinh.

Co bóp và kiểm soát nước tiểu:TTL sẽ ngăn chảy ngược về bàng quang trong quá trình phóng tinh, cơ thắt trong ở đáy bàng quang sẽ đóng lại. Khi cơ thắt trong đóng lại, nó ngăn nước tiểu và tinh dịch đi ra ngoài cơ thể qua niệu đạo cùng lúc. Khi đạt đỉnh của khoái cảm, cơ vòng này sẽ đóng chặt để ngăn không cho tinh dịch trào ngược vào bàng quang.

Khả năng hoạt động của TTL được điều khiển bởi các hormone sinh dục. Theo đó, cơ quan này sẽ phát triển mạnh mẽ từ tuổi dậy thì cho đến khi đạt trọng lượng trung bình là 20 gram ở tuổi 30.

Các bệnh thường gặp ở tuyến tiền liệt

U xơ tuyến tiền liệt.

Triệu chứng khi TTL có bệnh

Khoảng 25% nam giới từ 55 tuổi trở lên gặp trục trặc ở TTL. Tỷ lệ này lại tăng lên gần 50% khi đến tuổi 70. Trong giai đoạn bệnh mới khởi phát, các bệnh lý trên TTL có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì. Sau đó, các biểu hiện của bệnh TTL xuất hiện dần phụ thuộc vào tốc độ tăng kích thước của tuyến tiền liệt: khó tiểu; đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm; cảm giác bàng quang không thể được làm trống hoàn toàn; tiểu đau; có máu trong nước tiểu.

3 dạng phổ biến nhất của bệnh ở TTL là viêm TTL, phì đại TTL (tăng sản TTL lành tính) và ung thư TTL. Một bệnh nhân nam giới có thể mắc 1 hoặc cả 3 bệnh này cùng một lúc.

Phì đại tuyến tiền liệt

Đây là bệnh thường gặp ở nam giới trung niên. Tỷ lệ mắc bệnh càng tăng tỷ lệ thuận với tuổi tác. Mặc dù không đe dọa đến tính mạng nhưng gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khi TTL lớn dần, nhất là tại phần bao quanh niệu đạo sẽ làm cho niệu đạo bị hẹp lại và tạo áp lực lên nền bàng quang. Hệ quả dẫn đến là gây tắc nghẽn trong dòng chảy của nước tiểu, khiến người bệnh tiểu khó, bí tiểu. Người bệnh không đi tiểu được khiến bàng quang căng to rất đau đớn.

Viêm tuyến tiền liệt

Bệnh viêm TTL phổ biến hơn cả ở những người đàn ông từ 30 - 50 tuổi, độ tuổi đang hoạt động mạnh về tình dục. Các nguyên nhân chủ yếu là:

Viêm TTL do vi khuẩn: biểu hiệu nhiễm trùng cấp tính hoặc mạn tính, đáp ứng tốt với các loại thuốc kháng sinh thông thường.

Viêm TTL không do vi khuẩn: biểu hiện TTL bị viêm, sưng đau kéo dài; thuộc hội chứng đau vùng chậu mạn tính chưa rõ nguyên nhân. Việc chẩn đoán và điều trị nhóm bệnh lý này tương đối khó khăn.

Ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư TTL thường xảy ra ở nam giới từ trên 50 tuổi với nguyên nhân vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Tuy vậy, một số bằng chứng đã cho thấy bệnh lý này có mối liên quan đến tuổi tác và yếu tố gia đình.

Ở giai đoạn đầu, các tế bào ung thư mới hình thành và còn bị giới hạn khu trú ở TTL. Sau đó, nếu chưa được phát hiện và điều trị, kích thước TTL to lên rất nhanh, các tế bào ung thư đã sớm xâm nhập vào hệ thống mạch máu, đường bạch huyết và lan sang các bộ phận khác của cơ thể, gây ra ung thư thứ phát.

Để phòng bệnh, nam giới khi thấy có các dấu hiệu bất thường ở cơ quan sinh dục và tiết niệu thì nên đến thăm khám bác sĩ chuyên khoa niệu để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!