Tết năm nay, do thực hiện nghiêm quy định về việc cấm uống rượu, bia nên số vụ tai nạn giao thông do uống rượu, bia và hiện tượng say xỉn phải nhập viện đều giảm mạnh, tuy nhiên, các bệnh viện lại phải đối phó với mối đe dọa từ bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Những ca cấp cứu xuyên Giao thừa
Ngay trong đêm Giao thừa, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh (Bệnh viện E) tiếp nhận một nam bệnh nhân bị tai nạn giao thông ở khu vực quận Cầu Giấy. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, chấn thương sọ não, vỡ xương trán, tụ máu nội sọ… Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 4 giờ và bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, cho biết: 'Tôi gắn bó với bệnh viện 17 năm thì có tới 15 cái Tết không được đón Giao thừa cùng gia đình. Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, khi gắn bó với công việc này thì việc nghỉ lễ, Tết là điều hết sức xa xỉ. Bởi vậy, năm nào chúng tôi cũng chỉ có một mong muốn là năm sau các bác sĩ sẽ đỡ vất vả hơn, ít bệnh nhân hơn'.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra phòng xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2. Ảnh: NGUYỄN CHI
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, hoạt động khám, chữa bệnh được duy trì trong suốt kỳ nghỉ Tết âm lịch song song với việc tiếp nhận các ca cấp cứu. Cùng với đó, bệnh viện tổ chức phục vụ các suất ăn miễn phí hai bữa/ngày cho tất cả bác sĩ, nhân viên y tế và người bệnh từ 30 Tết đến hết Mồng Ba Tết Canh Tý. Tương tự, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, PGS, TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện cho biết, ngoài việc phân công kế hoạch trực cụ thể đến từng khoa, phòng, đặc biệt là Khoa Khám bệnh, Phòng Khám cấp cứu, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu..., bệnh viện đã lên kế hoạch tổ chức khám, chữa bệnh trong những ngày Tết cho bệnh nhân. Đồng thời, đêm Giao thừa, Giám đốc bệnh viện đã đến thăm và tặng quà các sản phụ sinh con vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới.
Tai nạn giao thông do uống rượu, bia giảm mạnh
Tại 'điểm nóng' đón nhận những ca tai nạn giao thông như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, năm nay số vụ tai nạn đã 'hạ nhiệt' đi rất nhiều nhờ Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nhưng không vì thế mà lãnh đạo bệnh viện lơ là, bệnh viện đã huy động mỗi ngày gần 300 cán bộ, nhân viên tham gia trực Tết, từ trực chuyên môn cấp cứu, khám, chữa bệnh đến trực điện, nước, hậu cần, đường dây nóng... Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trực 24/24 giờ, sẵn sàng đón tiếp người bệnh, bảo đảm đủ cơ sở cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Bệnh viện cũng lên kế hoạch chuẩn bị Tết cho những bệnh nhân không được về nhà. Từ 28 tháng Chạp năm Kỷ Hợi đến sáng Mồng Ba Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận gần 300 vụ tai nạn giao thông, trong đó số ca tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm gần 50% so với Tết năm ngoái. Bác sĩ Phạm Gia Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, sau khi triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, số ca tai nạn giao thông nặng, chấn thương sọ não nhập viện liên quan đến rượu, bia giảm mạnh. Còn đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, có hơn 1.000 bệnh nhi đón Tết tại bệnh viện nên ngoài công tác bảo đảm chữa trị cho các bệnh nhân nội trú, công tác trực cấp cứu cũng luôn sẵn sàng 24/24 giờ.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), báo cáo của các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế ngành trên toàn quốc, tính từ 7 giờ ngày 23-1-2020 đến 7 giờ ngày 26-1-2020, tại các cơ sở khám, chữa bệnh có hơn 95.000 bệnh nhân đang điều trị (giảm 11,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019). Các bệnh viện đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công, đón 8.403 trẻ chào đời. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, số ca cấp cứu do đánh nhau giảm mạnh. Cụ thể, trong 3 ngày nghỉ Tết, có 1.660 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau (giảm 499 trường hợp so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi), chiếm 2% trong tổng số ca cấp cứu tại các bệnh viện.
Sau 3 ngày Tết đã có 14.432 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông (giảm 14,5% so với Tết năm ngoái). Sau 3 ngày nghỉ Tết, có 262 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 19 trường hợp so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi, không có ca nào tử vong.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán 2020, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho người dân.
Khẩn trương ứng phó với dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây ra
Trong những ngày Tết, điều người dân quan tâm nhất vẫn là mức độ lây lan của dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) gây ra tại Việt Nam. Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Y tế chiều 28-1, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế ngay trong ngày 29-1 phải hoàn thiện, cập nhật các phương án, kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV) trong từng tình huống cụ thể. Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện phác đồ điều trị phù hợp. Các trường hợp nghi nhiễm đang cách ly, xét nghiệm sức khỏe đều ổn định. Để ứng phó với dịch, Bộ Y tế đang chuẩn bị thành lập 40 đội cơ động, có thể cách ly, khử khuẩn trong quá trình điều trị tại chỗ và vận chuyển bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm nCoV. Ngành y tế đã kích hoạt trung tâm ứng phó khẩn cấp với dịch, trực xuyên Tết để đưa thông tin, các thứ trưởng, thậm chí Phó thủ tướng phụ trách cũng họp và kiểm tra liên tục trong các ngày Tết. Bộ Y tế đã ra mắt Bản tin cập nhật về dịch trên thế giới, trong nước hằng ngày trên cổng thông tin chính thức của bộ. Bộ Y tế công bố số điện thoại đường dây nóng 19003228 để tiếp nhận các thông tin, ý kiến về tình hình dịch bệnh trên toàn quốc và tư vấn cách phòng, chống dịch bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!