Hẳn ai cũng phải chịu đựng cảm giác vô cùng khó chịu khi gặp các vấn đề về niêm dịch ít nhất vài lần trong đời. Làm sao để bạn có thể khắc phục tình trạng này?
Khi niêm dịch chảy ra liên tục, mũi lúc nào cũng khụt khịt nước khiến bạn vô cùng khó chịu. Hơn nữa bạn có cảm giác cứ xì mũi xong thì cánh mũi lại bị nghẹt trở lại? Đôi khi niêm dịch lúc có màu này, lúc lại chuyển sang màu khác khiến bạn không thể hiểu nổi. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết dưới đây bạn nhé.
Đầu tiên, bạn nên hiểu rằng cơ thể tiết ra niêm dịch là điều hết sức bình thường và cơ chế này tốt cho sức khỏe. Vậy cơ chế này có ý nghĩa quan trọng như thế nào? Cơ thể chúng ta có các đường màng và các lớp đệm niêm mạc – bộ phận tiết niêm dịch liên tục để giữ cho cơ thể luôn hoạt động “trơn tru”, đồng thời giúp cơ thể dễ dàng bài tiết các chất gây nhiễm khuẩn ra khỏi cơ thể. Do đó mà niêm dịch giúp cơ thể bạn khỏe mạnh. Tuyến mũi và cổ họng của bạn tiết ra 1892,7 ml niêm dịch mỗi ngày. Mặc dù việc tiết ra niêm dịch là bình thường nhưng khi cơ thể bạn sản sinh ra quá nhiều lượng niêm dịch với màu lạ thường thì bạn không nên bỏ qua. Các bác sĩ cho biết thường thì nguyên nhân gây ra sự thừa thãi niêm dịch là do dị ứng viêm mũi, phản ứng dị ứng này do các tác nhân bên ngoài như phấn hoa và các chất bẩn trong nhà như bụi bẩn, ẩm mốc và lông mèo gây ra. Các dị nguyên này (chất gây dị ứng) gây ra phản ứng miễn dịch ở cổ họng – nguyên nhân gây ra tình trạng tiết niêm dịch dày đặc.
Niêm dịch dày và đặc
Khi bạn bị bệnh, niêm dịch sẽ quánh lại khiến bạn gặp khó khăn khi xì mũi hay khạc đờm. Lúc đó, niêm dịch cũng sẽ đổi màu. Niêm dịch màu xanh là dấu hiệu chứng tỏ hệ miễn dịch của bạn đang hoạt động tốt. Sự thay đổi màu sắc ở niêm dịch như trên là do một dạng bạch cầu chống nhiễm khuẩn gây ra.
Các màu sắc của niêm dịch cho thấy dấu hiệu gì?
Ngoài việc niêm dịch dày, đặc và nhiều hơn, màu sắc của niêm dịch cũng là dấu hiệu chỉ ra tình trạng sức khỏe.
Dưới đây là một số màu thường gặp của niêm dịch:
Màu xanh ngả vàng
Niêm dịch có màu xanh ngả vàng báo hiệu cơ thể bạn đang bị nhiễm khuẩn. Tình trạng bệnh khi nặng hơn sẽ đi kèm với các triệu chứng như sốt, đau đầu và xung huyết. Đây chính là các triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn.
Màu nâu
Các bác sĩ cho biết niêm dịch có màu nâu sẫm vì máu đã bị “cũ” (do không lọc máu thường xuyên). Nguyên nhân khiến niêm dịch có màu nâu có thể là do xoang mũi hoặc cổ họng bị viêm dẫn đến chảy máu hoặc do hít phải nhiều khói bụi hay hút thuốc lá.
Nếu niêm dịch có màu nâu là do hút thuốc thì có thể do hai tác nhân gây ra: hoặc là do hút thuốc lá hoặc là do hít phải khói thuốc.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, ăn nhiều thức ăn như sô-cô-la, tỏi và rượu đỏ cũng khiến niêm dịch của bạn đổi sang màu nâu.
Niêm dịch màu đen hoặc xám
Người dân sống ở các nước ô nhiễm như Trung Quốc hay Ấn Độ thường có niêm dịch màu đen hoặc xám (do hít phải nhiều khói bụi trong không khí).
Các chất tự nhiên giúp tan niêm dịch bạn nên biết
Sau đây là những mẹo được các chuyên gia khuyên dùng để giúp niêm dịch bình thường trở lại.
- Uống đủ nước: Bạn uống càng nhiều nước thì niêm dịch càng nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường;
- Xông hơi: Bạn hãy thử đến phòng tắm hơi hoặc xông mặt bằ ng bình xông hơi nước, đồng thời đặt một cái khăn ẩm trên đầu và hít hơi nước nóng. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy nhanh chóng khá hơn;
- Trà thảo mộc: Một tách trà thảo mộc sẽ giúp làm thông mũi và tan đờm ở cổ họng. Bạn có thể thêm một chút mật ong hoặc chanh vào trà, vì mật ong giúp thông cổ họng đồng thời là chất giúp tan niêm dịch vô cùng hữu hiệu;
- Nghệ: Để làm tan đờm, bạn có thể uống nước ấm có thêm vài lát nghệ;
- Tỏi: Tỏi có tác dụng diệt khuẩn cao nên bạn hãy thêm tỏi vào các món ăn. Nếu được, tốt nhất bạn nên dùng tỏi để ăn tươi nhé;
- Gừng: Tương tự như nghệ, bạn có thể thêm vài lát gừng vào nước nóng khi nấu trà. Nó sẽ giúp tan đờm và thông cổ họng nhanh chóng.
Trên đây là những thông tin cần thiết về cơ chế niêm dịch của cơ thể. Hy vọng bài viết phần nào giải đáp được những thắc mắc cũng như cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Tiết chất nhầy
- 7 cách thông minh giúp bạn đẩy lùi cảm cúm mùa lạnh
- Cúm A/H1N1: chưa bao giờ giảm nhiệt!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!