Tích cực điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Hồng Hà/TTXVN phát)
Ngày 10/4, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Điểm cầu tại trung tâm có phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19; Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID -19 diễn biến nặng, nguy kịch- Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam; Giáo sư, tiến sỹ Ngô Quý Châu- quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.
Các điểm cầu tham gia tại Bệnh viện Bạch Mai có tiến sỹ Dương Đức Hùng- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Phó giáo sư, tiến sỹ Đào Xuân Cơ- Trưởng khoa Hồi sức tích cực; Phó giáo sư, tiến sỹ Vũ Trường Khanh- Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa… Điểm cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam và các bác sỹ các khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu của Bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Ngoài ra còn có lãnh đạo và các chuyên gia, bác sỹ điều trị của Bệnh viện trung ương Huế; Bệnh viện Chợ Rẫy; Bệnh viện Nội Tiết trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh; Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam… tham gia hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng.
Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia tại các điểm cầu đã trao đổi và xin ý kiến về 4 trường hợp bệnh nhân nặng, trong đó có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là bệnh nhân số 20, 161, 251 (từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam chuyển lên ngày 9/4) và bệnh nhân số 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh nhân số 20 đã cai ECMO, vẫn phải thở máy. Bệnh nhân xuất hiện cơn ngừng tuần hoàn ngày 8/4 và được Hội đồng chuyên môn hội chẩn khẩn ngay trong đêm, nhờ đó tình trạng người bệnh đã được cải thiện hơn. Báo cáo về ca bệnh này, các bác sỹ cho biết đến hôm nay (10/4) bệnh nhân đã có cải thiện, không tổn thương não sau ngừng tim, nghe, đáp ứng các yêu cầu các bác sỹ.
Đối với bệnh nhân số 161, từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang (88 tuổi, bệnh nhân bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái), Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị các bác sỹ điều trị trực tiếp xem xét thời điểm để mở nội khí quản cho người bệnh.
Buổi hội chẩn điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, sáng 10/4/2020 tại điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). (Ảnh: Hồng Hà/TTXVN phát)
Đối với trường hợp bệnh nhân số 251 vừa được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa Hà Nam, 64 tuổi, có tiền sử gout nặng, uống rượu, xơ gan, đã được các bác sỹ khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nội tiết trung ương và hội đồng chuyên môn tư vấn trao đổi về vấn đề dinh dưỡng, điều trị gout, xơ gan, chống đông...
Bệnh nhân số 91, hiện vẫn đang trong tình trạng rất nặng, 43 tuổi, tổn thương đa tạng, nhiễm trùng, xuất hiện suy tim phải. Bệnh nhân viêm phổi nặng, lọc máu ngày thứ 4, hiện tượng tăng đông diễn ra nặng nên phải thay 4 lần quả lọc máu, ECMO ngày thứ 3. Tín hiệu lạc quan nhất của ca bệnh này đối với hội đồng chuyên môn là tải lượng virus SAR-Cov-2 của bệnh nhân giảm. Hiện Hội đồng chuyên môn và các bác sỹ đang điều trị bệnh nhân bằng tất cả tâm lực, trí lực và kinh nghiệm điều trị.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết, đến thời điểm này, các bệnh nhân dù đang trong tình trạng nặng, nguy kịch nhưng chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là nỗ lực rất lớn của các y bác sỹ, các chuyên gia đồng lòng, chung sức, nỗ lực để điều trị, cứu chữa các bệnh nhân mắc COVID-19 nói chung, bệnh nhân nặng nói riêng.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh hiện nay, chúng ta bước vào giai đoạn 3 của chiến dịch phòng chống COVID-19. Chúng ta không được lơ là và chủ quan. Tất cả các bệnh viện đều coi những bệnh nhân đến khám đều là F1, những đối tượng nguy cơ cần được lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, các bệnh viện cần thực hiện đúng theo yêu cầu của Bộ Y tế về chống nhiễm khuẩn bệnh viện, giãn cách xã hội bằng cách tăng cường khám chữa bệnh online, tư vấn từ xa, để hạn chế tối đa người dân đến bệnh viện nếu không cần thiết./.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!