Các kỹ năng sơ cứu trẻ bị bỏng

Nuôi dạy con - 11/24/2024

Cha mẹ nên trang bị kiến thức sơ cứu trẻ bị bỏng vì nếu chỉ cần sơ suất nhỏ cũng có thể để lại vết sẹo không mong muốn.

Vào hè gia tăng bệnh nhân bỏng

Những ngày gần đây, lượng bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em bị bỏng vào điều trị tại tại Bệnh viện Xanh Pôn tăng lên đáng kể từ 15 - 20%. Theo BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, đa số trẻ bị bỏng thời điểm này là do bất cẩn. Nhiều trẻ ở khu vực nông thôn chơi thả diều không may diều vướng vào dây điện, thậm chí một số trẻ còn bị bỏng điện do trèo lên cột điện để bắt tổ chim, một số trẻ khác bất cẩn ngã vào nồi cơm canh nóng, làm đổ phích nước nóng lên người do người lớn bất cẩn để vào nơi trẻ dễ va chạm. Mùa hè lượng bệnh nhi thường chiếm khoảng 60% tổng số bệnh nhân trong đó bỏng do nước sôi (chiếm 45%).

Bác sĩ Nguyễn Thống cho biết thêm, do đặc điểm giải phẫu và sinh lý ở trẻ em khác người lớn nên bỏng trẻ em thường diễn tiến nặng hơn, với diện tích bỏng 5% đã có thể gây sốc.

Ngoài ra, trẻ bị bỏng cũng thường gặp các biến chứng như biến chứng nhiễm khuẩn, viêm phổi, viêm mủ khớp, hệ tạo máu, tỷ lệ trẻ bị sẹo sau bỏng cũng rất lớn (chiếm 18 - 27%) thường gây co kéo, biến dạng chân tay. Đối với bệnh nhân bỏng, việc sơ cứu đúng cách và đưa đến cơ sở y tế kịp thời có ý nghĩa rất quan trọng. Thế nhưng đáng tiếc là nhận thức của người dân về sơ cứu bỏng vẫn rất hạn chế. Không chỉ ở vùng nông thôn mà ngay cả ở thành phố, nhiều trẻ bị bỏng vẫn được người nhà dùng nước mắm tưới lên vết bỏng, bôi kem đánh răng vào vết bỏng, bôi thuốc nam vào vết bỏng… trước khi đưa đến bệnh viện trong tình trạng bệnh đã nặng…

Cũng vì lý do này, tại khoa có những trẻ bỏng nặng đến 50 - 60% diện tích cơ thể, may đưa đến viện kịp thời nên đã được cứu sống trong khi nhiều trẻ chỉ bỏng 15 - 20% diện tích cơ thể nhưng chữa trị rất khó khăn.

Các kỹ năng sơ cứu trẻ bị bỏng

Cha mẹ nên biết cách sơ cứu trẻ bị bỏng để tránh hậu quả đáng tiếc (Ảnh: Internet)

Xử trí sơ cứu kịp thời khi bị bỏng

Theo bác sĩ Nguyễn Thống, chữa bỏng là một chuyên khoa rất khó, vừa kết hợp cấp cứu, hồi sức, vừa nội khoa, ngoại khoa. Bệnh nhân bỏng phải được chẩn đoán vết bỏng chính xác để đưa ra liệu pháp điều trị, từ chống nhiễm trùng, bù nước, bù điện giải, giảm đau… chứ không phải ca bỏng nào cũng điều trị giống nhau. Ngay cả những bác sĩ non nghề, việc chẩn đoán chính xác độ bỏng nông sâu cũng còn khó khăn. Do vậy, việc tự ý chữa bỏng bằng các mẹo dân gian, các bài thuốc truyền miệng là rất nguy hiểm. Nhất là với bỏng điện, nếu bệnh nhân đến viện muộn, tỷ lệ phải cắt bỏ chi rất cao.

Theo BS Nguyễn Xuân Anh Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh cho biết: thời gian gần đây anh gặp rất nhiều trường hợp em bé nhỏ nghịch bị phỏng nước nóng như: nước pha sữa, nước canh nóng, nước trong vòi nóng lạnh... Bé chụp tay vào và bị phỏng độ 2 (phồng rộp da và nổi bóng nước). Nếu điều trị không đúng cách ngay từ nhưng giây phút đầu tiên sẽ có thể dẫn vết thương nhiễm trùng, lâu lành và các di chứng về sau rất dễ gặp là sẹo xấu co rút các ngón tay... thành thương tật vĩnh viễn cho các bé.

Cách chăm sóc vết bỏng tại chỗ

Khi trẻ chẳng may bị bỏng, hãy bình tĩnh nhanh chóng đưa bé đến ngay vòi nước trong nhà xối rửa nhiều nước (không xối nước đá hoặc nước lạnh) mục đích sẽ làm cho da bớt nóng, bớt bị mất nước và sẽ bớt đau, sẽ giảm diện tích da bị thương và giảm độ nặng của tổn thương bỏng. Sau đó tuỳ tình trạng nặng hay nhẹ, diện tích bỏng lớn hay nhỏ, nhà ở gần bệnh viện hay ở xa bệnh viện để đưa các bé đến khám cho bác sĩ đánh giá tình trạng bỏng và có hướng xử trí thích hợp.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!