Việc tiêm các mũi nhắc lại vắc-xin chỉ áp dụng với các loại vắc-xin tạo được trí nhớ miễn dịch qua các mũi tiêm trước đó (thông thường là loại vắc-xin bất hoạt còn gọi là vắc xin chết).
Lịch tiêm nhắc các loại vắc-xin được khuyến cáo áp dụng như sau:
- Vắc-xin DTC - ngừa bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván: Trẻ được tiêm nhắc lúc 18 tháng tuổi. Không nên tiêm nhắc trước lịch quy định. Nếu trễ lịch tiêm nhắc có thể tiêm muộn hơn nhưng không nên để quá 3 tuổi.
- Vắc-xin bại liệt uống: Có thể cho trẻ dưới 5 tuổi uống 2 liều bổ sung cách nhau 1 tháng để nâng cao khả năng bảo vệ của cơ thể.
- Vắc-xin phòng ngừa nhiễm khuẩn do Hib: Nên tiêm nhắc lúc trẻ được 18 tháng tuổi.
- Vắc-xin viêm não Nhật Bản: Cần nhắc mũi 3 một năm sau mũi 2. Sau đó 3 - 5 năm nên tiêm nhắc.
Tiêm các mũi vắc-xin nhắc lại giúp nâng cao hiệu giá kháng thể (Ảnh minh họa: Internet)
- Vắc-xin sởi: Cần tiêm nhắc cho trẻ lúc 18 tháng tuổi bằng vắc-xin sởi đơn giá hoặc vắc-xin phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh Sởi - Quai bị - Rubella (vắc-xin MMR).
- Vắc-xin cúm: Được tiêm nhắc hằng năm trước mùa dịch, đặc biệt là cho các đối tượng nguy cơ như trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn...
- Vắc-xin tả uống: Nên dùng hằng năm tại các vùng thường xuyên xảy ra dịch cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao.
- Vắc-xin thương hàn: Tiêm nhắc lại sau 2 - 3 năm tại những vùng lưu hành nặng hoặc có dịch, đặc biệt cho đối tượng trẻ em và người cao tuổi.
- Vắc-xin phế cầu: Tiêm nhắc lại vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất.
- Vắc-xin não mô cầu: Tiêm nhắc vào năm thứ 3 sau mũi tiêm thứ nhất.
- Vắc-xin dại: Với các đối tượng nguy cơ cao như người làm nghề giết mổ gia súc nên tiêm phòng và tiêm nhắc lại. Nói chung vắc-xin này chủ yếu dùng để điều trị dự phòng khi bị phơi nhiễm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!