Trước khi có kháng sinh, giãn phế quản là một căn bệnh nguy hiểm, đi kèm với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, sởi, ho gà..., thường dẫn đến tàn phế hoặc tử vong. Việc sử dụng rộng rãi vắc-xin phòng bệnh ở trẻ em và dùng kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường hô hấp đã làm căn bệnh trở nên hiếm gặp tại các nước phát triển trong suốt 30 năm qua. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Lily & WeCare tìm hiểu các thuốc điều trị giãn phế quản.
Giãn phế quản là gì?
Bệnh giãn phế quản là một tình trạng ở phổi gây ho và có đờm. Đường hô hấp bị nhiễm trùng và tái đi tái lại. Các triệu chứng này là do giãn nở bất thường (nở rộng) các đường thở của phổi (phế quản). Trong một số trường hợp chỉ có một đường thở bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp khác, nhiều đường dẫn khí bị ảnh hưởng. Trong những trường hợp rất nặng, sự giãn nở đường thở xảy ra ở khắp cả hai phổi.
Điều trị giãn phế quản theo Tây y
Mục đích sử dụng các thuốc Tây y điều trị giãn phế quản là chống nhiễm trùng, chống tăng tiết, tắc nghẽn đường thở và các biến chứng như khái huyết, giảm oxy máu, suy hô hấp, tâm phế mạn.
Trong các trường hợp có đờm và khó khạc, trước hết có thể dùng các thuốc làm loãng đờm như natribengoat, mucomyst, phun mù a - chymotripsin, nước muối ấm...; sau đó dẫn lưu đờm theo tư thế thích hợp, kết hợp vỗ rung để đờm khạc ra dễ dàng.
Các thuốc kháng sinh nên được dùng điều trị tích cực trong các đợt bội nhiễm cho đến khi nào hết sốt hết khạc đờm mủ. Nếu cần thiết có thể cho dùng kháng sinh mạnh, phổ rộng và phối hợp 2 loại kháng sinh.
Giãn phế quản có thể dẫn đến tình trạng suy hô hấp, suy tim, ho ra máu... Nên kết hợp thuốc điều trị giãn phế quảnvới các thuốc điều trị các triệu chứng này để có hiệu quả tốt nhất. Điều trị cầm máu bằng các thuốc gây co mạch như glandutrin, hypantin, transamin. Trường hợp ho ra máu nặng cần được truyền máu tươi. Nếu ho ra máu tái diễn, hoặc ho ra máu ở những bệnh nhân giãn phế quản lan tỏa, cần được điều trị can thiệp mạch, điều trị cầm máu bằng cách gây bít tắc động mạch phế quản. Phương pháp gây tắc phần thân và các nhánh phân chia của động mạch phế quản bệnh lý bằng cách bơm Spongel và hạt Contour (trộn trong thuốc cản quang pha loãng) qua ống thông chụp mạch vào làm tắc lòng động mạch nhằm loại bỏ các nhánh mạch liên quan tới vùng chảy máu, để lại cuống mạch dài hơn 3cm để chụp kiểm tra và tiến hành lại lần sau nếu tái phát ho ra máu.
Điều trị giãn phế quản theo Đông y
Tên gọi khác của bệnh giãn phế quản trong Đông y là Khái Thấu, Khái Huyết. Đông y quan niệm bản chất bệnh là trạng thái bệnh lý của các phế quản bị giãn rộng toàn bộ hay từng phần, các lớp cơ đàn hồi của phế quản bị tổn thương do viêm nhiễm hoặc các tác nhân vật lý gây tắc đường hô hấp.
Đặc điểm chủ yếu của bệnh là ho đờm thật nhiều, 50-100ml/ngày liên tục, nhất là buổi sáng hoặc khi thay đổi tư thế đột ngột. Đờm nhầy có lẫn mủ, gây ngộp thở, khó thở, ho ra máu, ngón tay dùi trống.
Theo Đông y, bệnh phát sinh có 2 nguyên nhân: ngoại nhân và nội nhân. Ngoại nhân là do cảm phong hàn, phong nhiệt, tà nhập vào phế quản hóa nhiệt, nhiệt đốt tân dịch kết thành đờm lưu tại phế. Mặt khác, cơ thể bệnh nhân vốn tỳ hư, đờm thấp nội sinh cũng tích lại phế gây nên ho đờm nhiều. Ngoài ra, nhiệt tích tại phế lâu ngày gây tổn thương phế lạc sinh ho ra máu. Bệnh kéo dài không trị khỏi, tỳ hư yếu không nhiếp được huyết, ho ra máu nặng hơn. Bệnh lâu ngày, chức năng thận cũng ảnh hưởng nên xuất hiện khó thở và phù.
Thời kì cấp diễn đờm nhiệt ủng phế có các triệu chứng: ho sốt, đờm nhiều đặc, ho ra máu, khát muốn uống, nước tiểu vàng, táo bón, rêu vàng nhày, mạch hoạt sác. Pháp trị: thanh nhiệt, hóa đờm. Phương thuốc: dùng bài Thanh Kim hóa đờm thang gia giảm: Tang bì 12, Hoàng cầm 12, Tri mẫu 12, Bối mẫu 12, Qua lâu 12, Bạch linh 12, Mạch môn 12, Ngư tinh thảo 12, Mao căn 12, Chi tử 10, Trần bì 10, Cát cánh 10, Đông qua nhân 10.
Thời kỳ ổn định với các triệu chứng: ho đờm ít, tiếng ho nhỏ, trong đờm có sợi máu, miệng khô, họng táo, tinh thần mệt mỏi, lưỡi đỏ sẫm, mạch Hư Tế. Pháp trị: ích khí, dưỡng phế âm, thanh nhiệt. Phương thuốc: Dùng bài Sinh mach tán hợp tả bạch tan gia giảm: Đẳng sâm 12, Bạch truật 12, Phục linh 12, Mạch môn 12, Tang bì 12. Địa cốt bì 12, Tiên hạc thảo 12, Ngẫu tiết 12, Qui đầu 12, Từ uyển 10, A giao 10, Ngũ vị 4, Trích thảo 4.
Ngoài 2 thể bệnh chính trên đây, lúc bệnh tình ổn định, ho đờm không nhiều, nên dùng Lục quân tử thang để kiện tỳ, hóa đờm.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!