Những thuốc gây rối loạn cương dương điển hình
Các thuốc trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch
Các loại thuốc trị tăng huyết áp tác dụng trực tiếp lên mạch máu vì thế cũng ảnh hưởng đến khả năng cương cứng ở dương vật. Thuốc có chứa methyldopa, clonidin, guanfacin làm thay đổi chức năng cương ở đa số người sử dụng. Một số thuốc có tác dụng giãn mạch như hydralazin khi ngưng sử dụng đột ngột sẽ làm giảm khả năng cương cứng gây rối loạn cương. Với người bệnh mắc chứng tăng huyết áp phải dùng thuốc lợi tiểu cũng gặp khó với khả năng cương cứng.
Thuốc lợi tiểu cũng có thể làm giãn các cơ trong hệ tuần hoàn, việc này có thể dẫn đến tình trạng giảm lưu lượng máu cần thiết chảy tới dương vật để đạt được và duy trì khả năng cương cứng. Có 5% người bệnh dùng hydrochlorothiazid, ethacrynic acid, furosemid mắc chứng rối loạn chức năng cương dương trong quá trình sử dụng thuốc. Có 23% bệnh nhân nam sử dụng chlortalidon trong thời gian 6 tháng trở lên gặp khó khăn trong quá trình cương cứng.
Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên trao đổi để được tư vấn của bác sĩ. Ảnh: TM
Những thuốc điều trị bệnh tim mạch khác như digoxin, disopyramidole… đều được ghi nhận là gây giảm khả năng cương cứng cũng như giảm ham muốn ở nam giới.
Ngoài ra, nhóm thuốc statins trị rối loạn lipid máu (atorvastatin, fluvastatin, lovastatin...) có tác dụng hạ mỡ máu nhưng lại can thiệp vào quá trình giảm sản xuất testosteron nên cũng gây ra tình trạng rối loạn cương dương.
Thuốc hướng tâm thần và thuốc trị trầm cảm
Người bệnh phải dùng thuốc điều trị các bệnh lý tâm thần thường than phiền vì thuốc gây rối loạn cương dương nghiêm trọng. Các trạng thái ảnh hưởng cương dương của thuốc hướng tâm thần rất đa dạng. Do các thuốc này có ảnh hưởng lên hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh serotonin, norepinephrin và dopamin ở não bộ nên làm thay đổi chức năng cương dương của tỷ lệ lớn người dùng thuốc.
Những loại thuốc hướng tâm thần có chứa chlorpromazin, thioridazin và trifluoperazin đã được ghi nhận là gây rối loạn cương dương và xuất tinh sớm ở 23-55% số người sử dụng thuốc. Thuốc hướng tâm thần thế hệ mới có chứa risperidon, oxcarbazepin cũng gây giảm ham muốn và rối loạn cương dương cho tỷ lệ cao người dùng thuốc.
Loại thuốc chống co giật (phenobarbital, carbamazepin, phenytoin, acid valproic…), các thuốc an thần (valium, ducen, antenex seduxen, oxazepam, nitrazepam...) cũng gây giảm ham muốn và gây rối loạn cương dương.
Các loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng ngày càng nhiều cũng đều ảnh hưởng xấu đến “phong độ” đàn ông. Khoảng 60% người dùng SSRIs từng bị rối loạn cương dương. Các thuốc ảnh hưởng đến tình dục nhiều nhất là amitriptylin và fluoxetin. Các thuốc chữa trầm cảm imipramin, amitriptylin, clomipramin... có khả năng gây rối loạn cương dương, xuất tinh bất thường, lãnh cảm.
Các thuốc khác
Thuốc trị nghẹt mũi hay cảm cúm thông thường (có chứa hoạt chất pseudoephedrin với tác dụng co mạch, có thể làm giảm lưu lượng máu tới cơ quan sinh dục), các thuốc có chứa các chất kháng histamin H1 (thường được dùng để trị dị ứng, ngứa, sổ mũi, hắt hơi hoặc để ngừa say tàu xe như promethazin, chorpheniramin, dihydramin) có thể gây xuất tinh bất thường hoặc rối loạn cương dương.
Thuốc ức chế dịch vị dùng trong điều trị viêm loét dạ dày (cimetidin, nizatidin, ranitidin) cũng có tác dụng phụ là gây rối loạn cương dương cho người sử dụng khi dùng ở liều cao. Thuốc chống nôn metoclopramide có khả năng gây ra suy giảm nhu cầu sinh lý và rối loạn chức năng cương dương do làm tăng nồng độ prolactin trong máu.
Thuốc giảm đau opioids (nhóm có nguồn gốc tự nhiên chiết xuất từ thuốc phiện như opium, morphin, codein) là nhóm thuốc giảm đau mạnh với tác dụng trên thần kinh trung ương, làm giảm độ nhạy của thần kinh cảm giác, đồng thời có thể làm giảm lượng testosteron dẫn đến giảm ham muốn, gây rối loạn cương dương ở nam giới...
Lời khuyên của thầy thuốc
Tình trạng rối loạn cương dương khiến nam giới rất phiền lòng và thường không dám thổ lộ với ai. Họ luôn lo lắng và nôn nóng cải thiện tình trạng này. Sự lo lắng ấy khiến bệnh càng nặng hơn. Vì vậy, khi bị rối loạn cương dương do thuốc, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ điều trị để tìm ra giải pháp khắc phục.
Tuyệt đối không được bỏ thuốc chữa bệnh giữa chừng khiến bệnh nặng hơn và tái phát, việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, không được tự ý dùng các thuốc cải thiện sinh lý khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Người dùng thuốc nên áp dụng các liệu pháp thư giãn, thiền, tập luyện thể thao cũng góp phần cải thiện tình trạng cương hiệu quả.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!