Khi bé được 6 tháng tuổi, ngoài sữa mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung các loại thực phẩm khác. Ban đầu, khi mới tập ăn dặm, nên cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, đảm bảo thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ. Khi chế biến đảm bảo thức ăn mềm, dễ nhai và dễ nuốt. Dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn. Không nên cho trẻ ăn bột ngọt vì không có chất dinh dưỡng, lại không có lợi cho sức khỏe của trẻ. Tất cả các loại thức ăn tươi, sạch, giàu dinh dưỡng mà người lớn ăn được hằng ngày đều có thể cho trẻ ăn được.
Thức ăn bổ sung gồm 4 nhóm. Nhóm cung cấp chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đậu đỗ, lạc, vừng... Nhóm tinh bột: gạo, mì, khoai, ngô... Nhóm chất béo: dầu, mỡ, lạc, vừng... Nhóm giàu vitamin và chất khoáng: rau, quả, đặc biệt các loại rau màu xanh thẫm và các loại quả có màu đỏ hoặc vàng. Một ngày phải cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm trên.
Với trẻ 6 tháng tuổi thì bú mẹ là chính, mỗi ngày ăn từ 1 đến 2 bữa bột loãng và nước quả. Lượng chất đạm cho trẻ một ngày là 20-30g (thịt, cá, tôm) băm nhỏ, chia 2 bữa, nếu ăn trứng: 1/2 lòng đỏ trứng gà hoặc 2 lòng đỏ trứng chim cút.
BS. Cẩm Nga
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!