Cụ thể, hàng loạt clip và ảnh về vụ việc giáo trình dạy học có dạy cách dạy đọc thơ, câu bằng các ô vuông và hình tròn - phương pháp khác hẳn với cách dạy truyền thống theo lời của nhiều bậc phụ huynh.
Nhiều người khi nhìn vào thậm chí còn cảm thấy... phẫn nộ, bởi người lớn còn không hiểu, trẻ em lấy gì mà hiểu được?
Những clip, ảnh về việc dạy trẻ đọc thơ bằng các hình tròn, hình vuông đang được chia sẻ chóng mặt trên MXH.
Ở đây, chúng ta chưa bàn đến việc phương pháp đó đúng hay sai và có phù hợp để dạy học không. Chỉ là thực tế cho thấy nhiều người đang tỏ ra lo ngại, thậm chí tung ra những bức hình chế nhạo với lời lẽ khá nặng nề, rằng sau này chúng ta sẽ học văn, viết văn đặc những ô vuông với tròn?
Một trong những bức ảnh chế từ cư dân mạng, hàm ý về việc người ta sẽ thay chữ viết bằng các hình vuông tròn.
Nếu bạn cũng là một trong những người đang hoang mang, vậy hãy thử tìm hiểu xem bản chất của phương pháp này là gì để có những nhận định đúng đắn hơn trước khi đưa ra nhận xét.
Bản chất của 'đọc' ô vuông: Bài học về tiếng và âm tiết
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng việc lo lắng rằng sau này các em sẽ viết bằng ô vuông hay hình tròn, tam giác... là hoàn toànsai về bản chất.
Âm tiết: đơn vị cấu tạo trong tiếng nói. Ví dụ, từ Latin được kết hợp bởi hai âm tiết: la và tin.
Một từ gồm một âm tiết (như 'nước') được gọi là đơn âm tiết, trong khi những từ gồm hai âm tiết trở lên (ví dụ ti-vi) được gọi là đa âm tiết.
Phương pháp sử dụng ô vuông này là để giúp các em học sinh hiểu về 'tiếng' (hay âm tiết) trước khi nhận mặt chữ. Bởi vì về mặt bản chất, tiếng hay âm thanh chúng ta phát ra là thứ có trước, chữ viết chỉ là các ký hiệu được quy ước dành cho tiếng mà thôi.
Trước khi nhận mặt chữ, các em học sinh cần hiểu rằng ngôn ngữ là cấu tạo từ các 'tiếng', và các ô vuông là để hỗ trợ cho sự tưởng tượng đó được tốt hơn, tránh gây nhầm lẫn.
Tiếng Việt của chúng ta khác với tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, mỗi từ chỉ bao gồm 01 âm tiếtvà đọc thành01 tiếng. Ví dụ như 2 từ 'Tiếng Việt' - từ 'Tiếng' có 1 âm tiết, từ 'Việt' là 1 âm tiết, và mỗi từ đều đọc thành 01 tiếng riêng biệt.
Đó là lý do 2 câu thơ 'Tháp Mười đẹp nhất bông sen; Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ' - được biểu thị thành một hàng các ô vuông là bởi như vậy.
Mỗi khối vuông được dùng thay thế cho một tiếng trong câu. Tổng cộng có 14 tiếng trong 2 câu thơ trên.
Và điều quan trọng nhất, đó là các ô vuông này chỉ được dạy trong một vài buổi đầu để học sinh làm quen với khái niệm 'tiếng'. Còn sau đó sẽ được áp dụng vào bảng chữ Quốc ngữ như bình thường, để hỗ trợ cho cách đánh vần của học sinh.
Sau khi phân biệt được các tiếng, học sinh mới được về bảng chữ cái và cách đánh vần. Đó là lúc nguyên âm, phụ âm - đơn vị cấu tạo của từ được đưa ra.
Như từ 'sen' trong ví dụ dưới đây có thể tách ra thành 'sờ' và âm 'en' (2 ô vuông), khi nhập lại ta có từ 'sen' - biểu thị bằng một ô vuông lớn, tượng trưng cho 01 tiếng duy nhất thôi.
Trích trong sách giáo khoa CNGD từ năm 1999.
Tóm lại, các ô vuông ở đây chỉ là công cụ hỗ trợ, và sẽ KHÔNG có chuyện được dùng thay chữ cái. Mục đích đạt được về sau vẫn là trẻ em biết đọc, biết viết đúng như tiêu chuẩn đề ra của bộ Giáo dục mà thôi.
Phương pháp 'lạ' hay đã được áp dụng trên thế giới?
Trên thực tế, việc dạy tiếng trước khi dạy chữ cũng được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.
Trong tiếng Anh, nó được gọi là 'counting syllables' - nghĩa là đếm âm tiết. Trẻ em sẽ được học cách đếm âm tiết trong từng từ. Bởi như đã nêu thì khác với tiếng Việt, các từ trong tiếng nước ngoài có nhiều hơn 1 âm tiết - hay còn gọi là từ đa âm tiết.
Và tùy theo cách giảng dạy, họ có thể đưa ra các ký hiệu khác nhau. Như chia sẻ của một bà mẹ tại diễn đàn khá nổi tiếng trên thế giới về cách dạy con đếm âm tiết chẳng hạn. Cô dạy bằng các mảnh lego, và hãy xem có gì đó quen thuộc không nhỉ?
Từ Computer tách ra gồm có 3 âm tiết, hay Motorcycle là 4 âm tiết
Nêu vậy để thấy rằng việc đếm âm tiết trong từ là một bài học quan trọng khi trẻ em nước ngoài học tiếng. Và rồi xét cho cùng thì kết quả sau này vẫn chỉ có một, đó là đứa trẻ biết đọc, biết viết mà thôi.
Bài viết có tham khảo tư liệu từ Logic of English, Sách Tiếng Việt CNGD năm 1999, English Spot Australia, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (NXB Giáo dục 1997).
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!