Bệnh chân tay miệng đã trở thành nỗi lo của những bậc cha mẹ khi có con nhỏ. Điều đặc biệt bệnh rất hay gặp ở những trẻ dưới 5 tuổi. Đây là độ tuổi đang đi nhà trẻ, điều này khiến căn bệnh có điều kiện lan nhanh. Bệnh cần điều trị sớm tránh biến chứng như: sốt cao dẫn đến co giật, nổi bọng nước có thể gây nhiễm trùng nặng...
Bệnh chân tay miệng là bệnh như thế nào?
Bệnh tay, chân, miệng (HFMD) là một bệnh nhẹ kéo dài trong thời gian ngắn do một loại virus có khả năng lây lan cao gây ra. Hầu hết những người bị bệnh có thể bình phục trong vòng một tuần và các biến chứng nguy hiểm hiếm khi xảy ra. Bệnh tay, chân, miệng lây lan khi bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với các loại virus truyền nhiễm gây bệnh. Các loại virus này được tìm thấy trong dịch mũi và cổ họng (nước bọt, đờm, hoặc nước nhầy ở mũi), dịch ở chỗ phồng rộp hoặc trong phân của người bệnh. Các virus có thể lây lan khi những người khoẻ mạnh tiếp xúc với bề mặt hoặc đồ vật do người bị nhiễm bệnh chạm vào.
Các giai đoạn phát triển của bệnh chân tay miệng
- Giai đoạn ủ bệnh thường kéo dài từ 3 tới 7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát kéo theo sau giai đoạn ủ bệnh từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Giai đoạn toàn phát có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như:
- Loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi.
- Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay bàn chân, mông... và thường để lại vết thâm.
- Sốt nhẹ và nôn. Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng như biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
- Thường từ 3 đến 5 ngày sau thì trẻ tự hồi phục hoàn toàn nếu không còn có các biến chứng. Giai đoạn này gọi là giai đoạn lui bệnh.
Phòng bệnh chân tay miệng
Phòng bệnh trong cộng đồng
- Trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi hoặc dùng chung khăn ăn, khăn tay...
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt dụng cụ tiếp xúc hàng ngày với bé như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn mặt ghế, sàn nhà...
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Tại các cơ sở y tế
- Khi chăm sóc trẻ, người chăm sóc có thể nhiễm virus gây bệnh. Vì vậy những người này không nên đi lại tự do giữa các phòng bệnh hoặc đi ra ngoài bệnh viện.
- Hạn chế tối đa người nhà vào phòng bệnh. Khi vào thăm bệnh nhi đang điều trị và tiếp xúc với các vật dụng đang sử dụng trong bệnh viện, người tới thăm có thể mang mầm bệnh ra cộng đồng.
Cách điều trị bệnh
Điều trị tại nhà nếu bệnh ở cấp độ 1:
1. Uống nước dừa lạnh: Mất nước là một vấn đề lớn với bệnh chân tay miệng, hơn nữa vì vết loét trong miệng có thể làm cho ăn uống khó khăn, cực kỳ đau đớn. Nước dừa lạnh có thể giúp giảm đau, khó chịu nhưng quan trọng hơn, nhờ lượng kali, chất điện giải cao chính là cách hoàn hảo để ngăn ngừa mất nước.
2. Thức ăn mát và súp: Nên cho trẻ ăn súp lỏng với đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phục hồi. Tránh ăn thức ăn cứng, mặn, cay hoặc chua, trái cây quá chua có thể gây ra kích ứng và đau.
3. Dầu dừa: Nhẹ nhàng bôi dầu dừa lên chỗ các nốt đỏ có thể giúp làm lành nhanh chóng. Các hợp chất kháng vi trùng và kháng virút trong dầu dừa có thể ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.
4. Tắm nước muối trộn tinh dầu bạc hà: Giúp dịu da, giảm ngứa, chống nhiễm trùng và giải độc cho cơ thể. Ngâm mình trong bồn tắm khoảng 15-20 phút sẽ nhanh chóng hồi phục đồng thời giảm bớt sự đau đớn và khó chịu.
5. Tắm với tinh dầu chanh: Thêm một vài giọt vào xà phòng để chống lại virus và vi trùng, hỗ trợ sức khỏe của da.
Ở cấp độ 2 trở lên: phải theo dõi trong bệnh viện, nhằm phòng tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim gây suy tim, suy các cơ quan khác, phù phổi, viêm não..
Hiện naybệnh chân tay miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc biệt. Cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và phòng biến chứng. Chính vì thế mà các bậc phụ huynh cần chú ý, nếu trẻ bị bệnh cần được thăm khám kịp thời để có biện pháp điều trị cũng như phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả nhất
Chúc bé và gia đình sức khỏe!
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!