Tác hại khi sử dụng thịt lợn rừng giả
Sáng ngày 17/3 vừa qua, Công an huyện Quảng Xương, Thanh Hóa,phát hiện hơn 650 kg thịt và đuôi từ lợn nái được phù phép thành đặc sản lợn rừng mang đi tiêu thụ, bán cho các nhà hàng.Cơ quan chức năng phát hiện những chấm nhỏ màu đen như lỗ chân lông do dấu kim được nung đỏ, sau đó châm thành lỗ màu đen để làm giả thịt lợn rừng với giá cao ngất ngưởng.
Thực tế hiện nay, trên thị trường lợn rừng được coi là mặt hàng thực phẩm quý hiếm. Người tiêu dùng cũng hạn chế lựa chọn những món ăn như thịt lợn rừng nhằm bảo vệ môi trường cũng như thực hiện phương châm không giết mổ động vật hoang dã. Điều này càng khiến các cơ sở thịt lợn rừng mạo danh sản xuất.
Hơn nửa tấn thịt lợn rừng giả bị bắt giữ (Ảnh: Vnexpress)
Khi người tiêu dùng mua phải thịt lợn rừng giả sẽ có những nguy cơ tiềm ẩn gây hại đến sức khỏe. Do quá trình bảo quản, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, những loại thịt lợn rừng giả không rõ nguồn gốc này có tỷ lệ nhiễm bệnh cao như bệnh giun sán, vi khuẩn tiêu chảy…
Nhiều lợn bệnh bị chết, hoặc đã bốc mùi hôi thối vẫn được các cơ sở kinh doanh phù phép, tẩm ướp hóa chất, thành lợn rừng đặc sản sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của con người. Chính vì vậy, người tiêu dùng khi chọn mua lợn rừng thì cần nhạy bén, dựa trên các dấu hiệu nhận biết cơ bản để mua được thịt lợn rừng chuẩn.
Dấu hiệu nhận biết thịt lợn rừng chuẩn
- Đặc điểm bên ngoài: Lợn rừng chuẩn có da và lớp lông rất dày, mõm dài cứng để đào đất tìm kiếm thức ăn. Ngoài ra chúng còn có cặp nanh hàm dưới rất dài, chìa ra khỏi mồm và hơi cong.
Xăm phù phép lợn nhà thành lợn rừng (Ảnh minh họa: Internet)
Bên cạnh đó, lợn rừng có tai nhọn bé, các lỗ chân lông khá sát nhau, hốc mắt to, chân thon hơn so với khửu gối, đầu móng guốc thon và nhọn.
- Đặc điểm lớp da và thịt:Thịt lợn rừng có da khá dày và cứng. Lớp thịt nạc gần như dính liền vào với da vì lớp mỡ ở giữa rất ít hoặc không có. Da lợn rừng chuẩn thì sần sùi, không bóng và trơn láng như da của lợn nhà nuôi hoặc lợn lai.
- Màu sắc:Thịt lợn rừng có màu sắc nhạt hơn, không có màu đỏ thẫm như thịt lợn nhà và có mùi hôi khá đặc trưng.
- Hương vị của thịt lợn rừng: Thịt lợn rừng dù chế biến thế nào thì thịt vẫn giữ được vị ngọt đậm đà đặc trưng, không ra nhiều nước, săn hơn hẳn so với các thịt lợn lai, tự nuôi khác.
Miếng thịt lợn rừng đúng chuẩn (Ảnh minh họa: Internet)
Bì lợn rừng dày và khô, phải cho vào chế biến trong vòng 15 - 25 phút thì thịt mới giòn và ăn được. Còn thịt lợn lai, lợn nuôi nhà thường có nhiều mỡ, thịt mềm và bì mềm, không giòn như thịt lợn rừng.
Ngoài ra để nhận biết thịt lợn rừng chuẩn, người nội trợ nên kiểm tra bằng cách bứt thử lỗ chân lông ở trên bì lợn xem ba lông ấy là thật hay giả. Vì lợn rừng thật thường có ba sợi lông chụm vào một chỗ, một số cơ sở thường làm giả thịt lợn rừng bằng cách bắn thêm lông vào.
Bên cạnh đó, để tránh mua phải thịt lợn rừng giả, người tiêu dùng nên chọn mua lợn rừng tại những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh… Không nên mua ở những địa điểm không rõ nguồn gốc, xuất xứ của thịt lợn.
>>> Xem thêm: Châm kim vào bì để biến lợn nái thành lợn rừng
Hồng Nam
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!