Cách sử dụng phấn rôm an toàn cho trẻ

Nuôi dạy con - 11/28/2024

Rôm sảy thường mọc thành đừng đám và hay tập trung ở những vùng da có nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ...

Con gái tôi được 4 tuổi, mới đầu hè nhưng cháu đã bị nổi nhiều rôm gây ngứa ngáy, khó chịu. Tôi được bạn bè mách nên sử dụng phấn rôm để chống ẩm da và giảm rôm cho con. Nhưng tôi băn khoăn không biết phấn rôm có thực sự an toàn cho con không?

Bùi Thị Hạnh (Tuyên Quang)

Cách sử dụng phấn rôm an toàn cho trẻ

Ảnh minh họa: Internet

Do thời tiết nắng nóng vào mùa hè làm giãn các mao mạch trên da, tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập gây nên hiện tượng viêm da (hay rôm sảy).

Không những thế, khí hậu oi nóng cũng thường khiến trẻ tiết mồ hôi nhiều hơn, nếu không thoát hết sẽ ứ đọng trong các ống bài tiết trên da, khi bị bụi hay chất cặn bã bịt kín cũng làm da nổi các nốt viêm.

Rôm sảy thường mọc thành đừng đám và hay tập trung ở những vùng da có nhiều mồ hôi như lưng, ngực, trán, cổ... Ngoài việc sử dụng các biện pháp dân gian để ngăn ngừa rôm thì nhiều mẹ còn cho con dùng phấn rôm. Đây là loại bột màu trắng có nhiều công thức hóa học pha chế khác nhau tùy nơi sản xuất nhưng thành phần chính là bột talc, muối canxi, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm.

Nhiều người cho rằng phấn rôm an toàn và hiệu quả cho trẻ nhưng thực tế không phải như vậy do phấn rôm không có tác dụng trị rôm sảy mà còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm các bệnh hăm da, viêm da nặng hơn khi không dùng.

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu sơ ý để trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh hít phải thì sẽ gây hại đường hô hấp với các biểu hiện ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, nôn ói, tím tái, lâu ngày có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi hay tắc nghẽn tiểu phế quản. Do vậy, bạn cần cân nhắc cẩn thận trước khi dùng cho con.

Nếu vẫn muốn dùng thì bạn cần tránh tuyệt đối không để trẻ hít phải bột phấn bằng cách không cho trẻ chơi đùa với phấn rôm, không ngồi trước quạt hay gần cửa sổ khi sử dụng, không thoa phấn gần mắt, mũi, không sử dụng quá nhiều vì lượng phấn dư thừa có thể kết hợp với mồ hôi gây kích ứng da...

Để hạn chế rôm cho trẻ, bạn cần vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ thường xuyên, mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi, hạn chế chơi ngoài trời nắng, ăn thức ăn mát như bột sắn, đậu đen..., tránh cào gãi gây xước da, nhiễm khuẩn. Nếu con bạn bị rôm lan rộng, ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu nhiều thì cần đưa trẻ đến chuyên khoa da liễu để được khám và xử trí đúng cách.

BS. Trịnh Văn Tùng

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!