Cẩm nang dạy trẻ lịch sự trong ăn uống

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Tư thế ngồi ngay ngắn, ăn uống từ tốn, biết kính trên nhường dưới... là những nguyên tắc bạn cần dạy trẻ để lịch sự hơn trong ăn uống.

Dạy trẻ cách mời người lớn

Mời người lớn trước khi ăn cơm thể hiện tình cảm, sự lễ phép, tôn trọng, hiếu nghĩa với người lớn tuổi. Do vậy, cha mẹ cần làm gương cho con trẻ, thực hiện cách mời người lớn để bé bắt chước, học tập và mời lại. Bạn hãy chỉ rõ cho bé biết lý do tại sao cần phải mời người lớn cũng như mời tất cả mọi người trước khi ăn, để bé hiểu và thực hiện một cách tự nguyện.

Hướng dẫn tư thế ngồi ăn

Tư thế trong lúc ăn cũng thể hiện một phần văn hóa, tính cách của con người. Do vậy, trước khi ăn, bạn cần tập cho bé ngồi tư thế thẳng lưng, không ngồi nghiêng ngả, cong vẹo hoặc tì ngực vào bàn. Bạn cũng cần lưu ý dạy trẻ không được cười đùa hay nói chuyện trong lúc ăn.

Dạy trẻ cách gắp thức ăn

Khi trẻ gắp thức ăn thường hay làm rơi vãi hay nhiều trẻ có thói quen đào bới đĩa thức ăn để chọn miếng ngon hoặc chỉ đơn giản vì chúng thích thế. Bạn hãy chỉ ra cho trẻ rằng không được làm như vậy. Hãy lấy những chuẩn mực từ ông bà và chính bản thân cha mẹ để làm gương cho con trẻ, chỉ ra cho trẻ cách gắp thức ăn lịch sự và đúng mực nhất.

Cẩm nang dạy trẻ lịch sự trong ăn uống

Dạy trẻ lịch sự khi ăn uống là cần thiết ngay từ khi con còn nhỏ (Ảnh: Internet)

Dạy trẻ không được lãng phí

Để lại thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn là một trong những điều không hề đẹp một chút nào. Bạn hãy nhắc nhở và dạy trẻ phải ăn hết thức ăn có trong bát. Cha mẹ cần nhắc bé ăn lượng thức ăn vừa sức với mình, tránh gắp quá nhiều gây lãng phí. Điều này không chỉ giúp trẻ có thái độ lịch sự hơn trong ăn uống mà còn dạy cho trẻ tính tiết kiệm.

Luôn tập trung khi ăn uống

Bạn cũng đừng quên dạy trẻ cần phải tập trung tinh thần khi ăn uống, tuyệt đối không được làm những việc riêng khác như xem ca nhạc, sử dụng điện thoại di động, chơi điện tử... Việc tập trung trong ăn uống sẽ giúp cho trẻ ăn ngon miệng hơn, tiêu hóa tốt hơn và đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe cho bé.

Có thái độ từ tốn, nhã nhặn

Trẻ em thường có thói quen đùa nghịch, nói chuyện, cười đùa ồn ào trong bữa ăn. Cha mẹ nên tập để bé giảm dần thói quen này. Ngoài ra, bạn cũng không quên giúp trẻ loại bỏ những thói quen xấu trong khi ăn như làm bắn thức ăn, nhai tóp tép, húp canh gây tiếng động... để trẻ có thái độ từ tốn, lịch sự hơn trong bữa ăn.

Biết tôn trọng người khác

Ngoài những lưu ý cần thiết kể trên, cha mẹ cũng cần dạy con em mình biết tôn trọng những người xung quanh như đầu bếp, người phục vụ bàn... Hãy dạy trẻ ghi nhớ một số từ ngữ lịch sự như 'xin vui lòng'; 'làm ơn'; 'cảm ơn'; 'xin lỗi'... Điều này sẽ giúp bé có thái độ sống tích cực hơn, ngoan ngoãn và thân thiện với mọi người.

Một số lưu ý khác

- Cha mẹ nên đưa trẻ về quê, ăn cơm với ông bà hoặc trong những dịp cúng giỗ, liên hoan.. để bé có cơ hội làm quen với không khí ăn uống đông người, tạo điều kiện cho bé rèn luyện thói quen biết kính trên nhường dưới, ăn uống từ tốn, biết cách tôn trọng người khác...

- Cha mẹ có thể dành một khoảng thời gian nhất định để chơi trò nấu ăn và cùng ăn cơm với trẻ để thông qua đó, dạy cho trẻ những quy tắc ăn uống đúng mực, lịch sự một cách dễ dàng hơn.

- Cần ghi nhớ cha mẹ luôn làm gương trong những hành vi chuẩn mực ăn uống để bé học tập và noi theo, giúp bé hình thành nhân cách tốt ngay từ khi còn nhỏ.

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!