Cẩm nang hữu ích cho cha mẹ khi trẻ mọc răng

Sống khỏe mạnh - 11/24/2024

Khi trẻ mọc rằng thường hay quấy khóc và có dấu hiệu sốt cao, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, sử dụng những thức ăn lỏng và mềm…

Những mốc thời gian trẻ mọc răng

Thông thường, chiếc răng sữa mọc đầu tiên là răng cửa giữa, nằm ở hàm dưới. Trên thực tế, sẽ có nhiều trẻ mọc sớm lúc 3 – 4 tháng tuổi, một số trẻ lại mọc muộn hơn. Nhìn chung, thời kỳ mọc răng sữa của trẻ bắt đầu diễn ra trong khoảng 5 – 8 tháng tuổi. Việc trẻ mọc răng nhanh hay châm là điều bình thường, không phải là dấu hiệu bệnh lý nên cha mẹ có thể yên tâm.

Bộ răng sữa của trẻ bao gồm có tất cả 20 cái răng, phân đều cả hàm trên lẫn hàm dưới. Răng của trẻ thường mọc theo từng cặp, ví dụ như răng nanh hàm dưới mọc ở bên phải và bên trái cùng một lúc. Ngoài ra, răng hàm dưới của trẻ thông thường sẽ mọc sớm hơn răng tương ứng ở hàm trên.

Cẩm nang hữu ích cho cha mẹ khi trẻ mọc răng

Khi trẻ mọc rằng thường hay quấy khóc và có dấu hiệu sốt cao (Ảnh: Internet)

Những dấu hiệu nhận biết trẻ mọc răng

Trẻ mọc răng thường thích gặm hay cắn những đồ vật xung quanh, thường xuyên tỏ ra cáu gắt và hay đòi được bế. Nếu tâm trạng của bé không được vui, má ửng hồng, thường chảy dãi và bé hay đưa cả nấm đấm tay vào miệng, cha mẹ nên kiểm tra lợi của con.

Nếu trẻ đang mọc răng, bạn sẽ thấy có một cục cứng hoặc một điểm nhọn nào đó nhô hẳn lên trên bề mặt lợi. Chỗ gồ lên có vẻ sưng và đau. Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng không nên đổ mọi nguyên nhân trẻ bị ốm, sốt cao, tiêu chảy hay nôn mửa là do bé bị mọc răng. Đó có thể là triệu chứng của bệnh nào đó, do vậy bố mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được chữa trị. Cha mẹ nên ghi nhớ rằng: mọc răng không phải nguyên do là cho trẻ bị ốm.

Cách chăm sóc khi bé bị mọc răng

- Để làm dịu sự khó chịu của trẻ khi bị ngứa, đau nhức do mọc răng, cha mẹ nên cho một vật nhẹ và mềm để trẻ có thể cắn lên ví dụ như ngậm núm vú giả, vòng mọc răng... Nếu bạn thấy trẻ bị đau dữ dội, gặp khó khăn khi ăn uống và trong mọi sinh hoạt, cha mẹ nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa Răng - Hàm – Mặt để nhanh chóng chữa trị cho trẻ một cách tốt hơn.

- Nếu trong thời kỳ bé mọc răng sữa, bị sốt cao 38,5 độ C trở lên và thường xuyên bị đau nhiều, cha mẹ có thể dùng paracetamol để giúp trẻ hạ sốt và làm giảm những cơn đau. Bạn chú ý liều lượng thích hợp là 10-15 mg/kg cân nặng, khoảng 4-6 giờ cho trẻ uống một lần.

Cha mẹ tuyệt đối không được để trẻ sốt quá cao, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Nếu trẻ sốt nhẹ thì cũng không cần uống thuốc hạ sốt, cha mẹ chỉ cần  dùng khăn ấm lau cho trẻ và không quên cho bé uống thêm nước.

- Trẻ mọc răng thường có biểu hiện chảy nước miếng nhiều, đưa tay vào miệng cắn hay liên tục dùng lưỡi để liếm vùng nướu ở phía trước. Chính vì vậy, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ thường xuyên bằng cách dùng khăn mềm sạch lau nước miếng chảy quanh miệng trẻ, vệ sinh sạch sẽ vùng nướu sau khi trẻ bú hay vừa ăn xong.

- Cha mẹ nên tích cực cho trẻ uống nhiều nước, vì khi trẻ mọc răng rất dễ bị mất nước. Phụ huynh chỉ nên cho trẻ ăn những thức ăn ở dạng lỏng, mềm để trẻ ăn uống được dễ dàng hơn. Nên nhớ thức ăn quá nóng hoặc để quá lạnh đều không hề tốt cho sự phát triển hệ răng của trẻ. Bên cạnh đó, bạn cũng cần bổ sung hàm lượng canxi trong các bữa ăn hàng ngày để răng của trẻ được phát triển toàn diện hơn.

Hồng Nam

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!