Căn bệnh ung thư đứng đầu ở phụ nữ: Sàng lọc như thế nào?

Cần biết - 04/20/2024

Theo GS Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, ung thư vú vẫn là căn bệnh ung thư hàng đầu ở chị em phụ nữ. Hiện nay việc sàng lọc và phát hiện ung thư vú từ sớm vẫn là 'chìa khóa vàng' để chữa bệnh thành công.

Căn bệnh ung thư đứng đầu ở phụ nữ: Sàng lọc như thế nào?

Ảnh minh họa.

Hiện nay, với phụ nữ ung thư vú đứng hàng đầu, tiếp đến là ung thư cổ tử cung, buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng.

Theo công bố mới đây, hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 2 triệu người mắc mới bệnh ung thư vú, đứng thứ hai, sau ung thư phổi, và chiếm khoảng 12% trong tổng số bệnh nhân ung thư trên thế giới.

Nếu chỉ tính riêng với phụ nữ thì ung thư vú đứng hàng thứ nhất về tỷ lệ mắc.

Về tỷ lệ tử vong, ung thư vú đứng thứ tư, sau ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư gan.

Với ung thư vú để chẩn đoán cần thăm khám lâm sàng xem có chảy dịch không có bất thường gì hay không có tụt núm vụ hoặc co kéo, có khối u khiến tình trạng như vậy có hạch nách, hạch cổ chưa. Sau đó bác sĩ đưa ra chỉ định sao cho phù hợp nhất.

Theo các chuyên gia, bệnh ung thư vú nếu phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.

Sàng lọc ung thư vú hiện nay được khuyến cáo là tự khám vú khi có dấu hiệu bất thường người bệnh nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra. Bác sĩ có thể khám lâm sàng sau đó cho chụp nhũ ảnh hay còn gọi xquang vú. Nhưng hiện nay giải phẫu bệnh mới là chẩn đoán vàng trong ung thư vú.

Việc tầm soát ung thư vú bằng MRI cũng được nhiều người quan tâm. GS Trần Văn Thuấn, Bệnh viện K trung ương cho rằng, sau khi FDA (cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận vào năm 1991, chụp cộng hưởng từ (MRI) vú là phương pháp thăm khám hiệu quả nhất vì giúp phát hiện và chẩn đoán sớm nhất các bệnh lý tuyến vú.

Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả MRI cùng với các xét nghiệm khác để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho các bệnh lý tuyến vú. Ngoài ra MRI vú còn được chỉ định trong việc phân giai đoạn ung thư, theo dõi sau phẫu thuật, hóa trị và quá trình tái phát ung thư.

MRI vú là kỹ thuật chuyên dụng tạo hình tiên tiến nhất về cấu trúc vú sử dụng kỹ thuật từ trường và không ảnh hưởng đến sức khỏe người thực hiện (an toàn và hiệu quả hơn so với các phương pháp X-quang, siêu âm hay khám lâm sàng thông thường). MRI vú có độ nhạy cao gần 100% đối với việc phát hiện ung thư vú xâm lấn có kích thước chỉ vài milimet.

Hạn chế của MRI là giá thành cao nên khó áp dụng rộng rãi trong sàng lọc, kèm theo hệ thống MRI có cấu tạo phức tạp nên việc lắp trên xe lưu động để mang đến các tuyến cơ sở là vô cùng khó khăn.

Do đó, hiện nay ở nhiều quốc gia, MRI được áp dụng để phát hiện sớm bệnh lý ung thư vú ở những phụ nữ có dấu hiệu cảnh báo ung thư vú và có thể áp dụng để sàng lọc ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ cao như có tiền sử gia đình, có đột biến gen ung thư vú ( BRCA1, BRCA2, BRCA3) tại các trung tâm lớn - nơi mà người dân có thể dễ dàng tiếp cận phương pháp hiện đại này.

Tuy nhiên, phim chụp X-quang tuyến vú có độ nhạy, độ đặc hiệu đủ tiêu chuẩn để khám sàng lọc, hơn nữa kĩ thuật đơn giản, thời gian thực hiện nhanh và giá thành rẻ nên đến thời điểm hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng chụp X-quang tuyến vú là phương pháp sàng lọc thường quy cho những phụ nữ ở độ tuổi trên 40 hoặc trên 50 tuổi.

Hãy rèn luyện cho mình có một lối sống lành mạnh: không hút thuốc, hạn chế rượu bia, dinh dưỡng an toàn, hợp lý ( đạm vừa phải, tăng cường hoa quả, rau xanh), tập thể thao tối thiểu ngày 30 phút, 5 ngày trong 1 tuần 7 ngày ( 3-5-7), và tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ (2 lần một năm).

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!