Đến chiều ngày 5/2, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Đông Anh – Hà Nội) hiện đang điều trị 3 ca dương tính và 57 ca cách ly có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus nCoV. Nơi đây có hàng trăm y bác sĩ đang cùng với các bệnh nhân chiến đấu chống lại dịch cúm corona trong thời gian qua.
TS. BS Trần Văn Giang (Phó Trưởng Khoa Virus lý sinh trùng – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) chia sẻ: 'Là những người trực tiếp làm việc tại môi trường có bệnh truyền nhiễm, đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ai cũng buộc phải nằm lòng với quy trình khử trùng, cách ly nghiêm ngặt. Không chỉ trong giai đoạn dịch cúm corona mà trước các đợt dịch như cúm A, sốt xuất huyết… đội ngũ cán bộ y tế phải tuyệt đối tuân thủ những hướng dẫn đã được ban hành của Bộ Y tế cũng như của bệnh viện.
Ở những khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp, trước khi nhân viên y tế ra về cần đều phải đảm bảo các điều kiện khử khuẩn, vệ sinh cá nhân (tắm rửa, súc miệng, rửa tay…) nhằm hạn chế tối đa nguy cơ có thể mang virus ra ngoài cộng đồng. Sau khi ra khỏi khu cách ly, đồ bảo hộ chuyên dụng cũng sẽ được tiêu hủy theo đúng quy định'.
TS. BS Trần Văn Giang (Phó Trưởng Khoa Virus lý sinh trùng – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương).
Đối với đội ngũ y tế chăm sóc bệnh nhân ở những khu vực cách ly có nguy cơ lây nhiễm cao hơn sẽ được bệnh viện bố trí ăn, ở, sinh hoạt ngay tại cơ sở y tế nhằm hạn chế di chuyển ra khu vực bên ngoài. Hiện tại, toàn bộ đội ngũ y, bác sỹ đều ở lại bệnh viện. Sau giờ làm việc các y, bác sỹ được bố trí khu vực ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi để tiếp tục 'chiến đấu' trong những ngày tiếp theo.
Bác sĩ Giang thông tin thêm: 'Đây là việc được thực hiện trong rất nhiều đợt dịch như dịch SARS 2003, các nhân viên y tế xác định theo nghề này rồi nên ai nấy đều phải chấp nhận việc 'bế quan, quả cảm'.
Từ khi bắt đầu nhận những bệnh nhân đầu tiên vào khu cách ly và những bệnh nhân được chuẩn đoán dương tính với virus corona, các y, bác sỹ đã túc trực tại bệnh viện và không về nhà, việc liên lạc với gia đình chủ yếu là qua các phương tiện cá nhân và smartphone.
Đội ngũ y tế trực tiếp tham gia cuộc chiến chống dịch cũng trong tình trạng 'bế quan quả cảm' ngay tại bệnh viện.
'Người nhà cũng rất lo lắng khi chúng tôi làm việc tại môi trường dễ bị lây nhiễm, tuy nhiên, gia đình luôn thông cảm và động viên chúng tôi cố gắng hoàn thiện nhiệm vụ đồng thời bảo vệ bản thân mình tốt nhất có thể, sau đợt dịch lại về đoàn tụ với gia đình.
Cũng như các bác sĩ, những điều dưỡng viên - người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân đang được cách ly điều trị cũng đã không về nhà nhiều ngày nay. Điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hà (Điều dưỡng trưởng thuộc Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ: 'Tôi đã gửi 2 con đến nhà ngoại hơn một tuần nay để an tâm công tác. Nhớ gia đình và các con nhưng đành phải ngắm nhìn con qua ảnh, qua những cuộc gọi face-time'.
Chị Hà cho biết thêm: 'Tất cả các điều dưỡng viên, bác sĩ trực tiếp tiếp xúc với người bệnh nhiễm nCoV, trong đó có cả những người trực khu sàng lọc, thu dung bệnh nhân và những người trực tiếp điều trị bệnh nhân đều phải ở một khu riêng biệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người thân và cộng đồng. Trước và sau khi vào khu trực, chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi phải tắm gội bằng nước nóng, thực hiện các bước sát khuẩn, khử trùng và dùng đồ bảo hộ'.
Hàng loạt các quy trình nghiêm ngặt được các y, bác sỹ thực hiện nhằm chống lây nhiễm trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.
'Bên cạnh đó, các y, bác sĩ và đội ngũ cán bộ của bệnh viện còn có nhiệm vụ chăm lo nguồn thực phẩm, bữa ăn cho các bệnh nhân đang cách ly. Người bệnh được cách ly nhiều vòng nghiêm ngặt và bên trong phòng cách ly đều có nhà vệ sinh, ti vi, tủ lạnh cùng tất cả các đồ cơ bản để đảm bảo cho việc sinh hoạt và hồi phục', chị Hà cho hay.
'Là những người đang trong tâm dịch, cũng là những người có chuyên môn chúng tôi đánh giá diễn biến sẽ còn phức tạp. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang lo lắng mà cần thực hiện đúng những khuyến cáo đã được Bộ Y tế hướng dẫn để chủ động phòng chống virus nCoV.
Trong những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm do tiếp xúc với người có nguy cơ thì cần đến ngay cơ sở y tế và khai báo thông tin một cách trung thực để tiếp nhận điều trị sớm nhất', bác sĩ Giang chia sẻ.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!