Mặc chiếc áo cũ mèm thiếu vài cái cúc, mang đôi dép không còn lành lặn, cô bé 8 tuổi người dân tộc thiểu số ngồi yên để bác sĩ Lê Trần Quang Minh khám tai.
Cô bé viêm tai xương chũm đã lâu mà nhà nghèo không có tiền để chữa trị. Lên 8 tuổi, cô bé bị tình trạng cholesteatoma gây hư thối hết phần tai.
Nhìn chiếc áo bé mặc thiếu cả cúc áo, đôi dép không còn lành lặn, bác sĩ lặng người. Cùng với đồng nghiệp, bác sĩ Minh phải gom góp giúp bé tiền ăn, xin miễn giảm viện phí để bé có cơ hội được phẫu thuật chữa bệnh.
Câu chuyện xảy ra đã 20 năm đến nay bác sĩ Minh vẫn còn nhớ rõ, bởi cô bé ngày ấy đã là một phụ nữ trưởng thành với cuộc sống bình yên như chưa từng khiếm thính.
Tốt nghiệp bác sĩ nội trú, có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật về Tai - Mũi - Họng với những cơ hội rộng mở nhưng bác sĩ Minh lại chọn đi theo ngành tai.
Với anh, không hiểu sao những đứa trẻ mắc bệnh tai lại thường thuộc gia đình nghèo khổ. Đa số bệnh nhân không có điều kiện điều trị, để lâu dẫn đến biến chứng lên não mới vào viện, như cô bé người dân tộc thiểu số ấy.
Bác sĩ Minh và đồng nghiệp trong một ca mổ cấy điện cực ốc tai. Ảnh: L.A
18 năm kể từ ca mổ cấy điện cực ốc tai đầu tiên Việt Nam dưới sự hỗ trợ của bác sĩ nước ngoài, hàng trăm bệnh nhân đã được tiến sĩ Lê Trần Quang Minh, hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cùng đồng nghiệp phẫu thuật để mang đến âm thanh cuộc sống. Là bác sĩ thuộc thế hệ tiên phong trong kỹ thuật cấy điện cực ốc tai, anh xem đó là bước ngoặt với cuộc đời cầm dao mổ.
Những ca phẫu thuật đầu tiên thành công tốt đẹp đã thỏa lòng mong đợi của vị bác sĩ khi ấy vốn là phó khoa tai, luôn trăn trở tìm cách giúp người khiếm thính. Những bệnh nhân ngày ấy, giờ có bé đã vào đại học hoặc đạt được những kết quả đáng khích lệ trong cuộc sống.
'Trước đây trẻ khiếm thính bẩm sinh là coi như cả đời phải chịu cảnh sống trong câm lặng, chỉ có thể vào trường khuyết tật để học giao tiếp bằng tay, bằng đọc hình miệng chứ không còn cách chữa', bác sĩ Minh chia sẻ. Với trẻ điếc quá sâu thì máy trợ thính hầu như không mang lại tác dụng.
Những ngày đầu kỹ thuật phẫu thuật chữa khiếm thính chỉ cấy đơn kênh nên hiệu quả không cao. Dần dần bác sĩ Minh cùng đồng nghiệp mày mò tiếp cận những kỹ thuật mới, giúp khả năng nghe của người bệnh cải thiện, đặc biệt là khi thế hệ ốc tai điện tử đa kênh ra đời.
Anh áp dụng kỹ thuật đường rạch ngắn nhất giảm thời gian phẫu thuật với hiệu suất thành công cao tại Việt Nam. Dành tâm sức nghiên cứu, ê kíp của anh cũng đã phẫu thuật cấy ốc tai cho cả bệnh nhân có ốc tai dị dạng mà trước kia rất khó thực hiện.
Cấy ốc tai điện tử đa kênh là phẫu thuật đặt một thiết bị có khả năng biến những âm thanh thành các tín hiệu điện thông qua điện cực đặt bên trong ốc tai. Từ đó tín hiệu này được chuyển đến các tế bào của hạch xoắn rồi theo dây thần kinh thính giác đến vỏ não.
Đây là phẫu thuật tai thuộc loại nâng cao và khó thực hiện, phải đặt đúng vị trí thì hiệu quả nghe mới tốt. Sau phẫu thuật khoảng một tháng, bệnh nhân được bật máy, bắt đầu làm quen với âm thanh. Trải qua quá trình tập luyện, người bệnh nghe nói hòa nhập cuộc sống gần như bình thường.
Đây là cả hành trình gian khổ mà phụ huynh phải ròng rã sát cánh cùng bé, dưới sự hỗ trợ của chuyên gia thính học.
Bác sĩ Lê Trần Quang Minh bên cạnh việc cầm dao mổ còn làm công tác quản lý bệnh viện. Ảnh: Lê Phương.
'Trẻ thường có các yếu tố nguy cơ nghe kém khi mẹ bị nhiễm rubella thai kỳ, phải thở oxy sau sinh, vàng da bất thường sau sinh, viêm màng não... Nếu không được can thiệp sớm trước 5 tuổi, tốt nhất là trước 2 tuổi thì trẻ có nguy cơ bị điếc câm vĩnh viễn, sống cuộc đời không có âm thanh', bác sĩ Minh phân tích.
Mang đến âm thanh trọn vẹn, giúp hồi sinh cuộc đời hàng trăm bệnh nhân, điều canh cánh nhất với bác sĩ Minh là chi phí điều trị quá lớn. Mỗi ca mổ tốn chi phí khoảng 500 triệu đồng ở một bên tai do thiết bị quá đắt tiền.
Hàng năm Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM tiếp nhận khoảng 300-400 trường hợp điếc câm nhưng số ca mổ thực hiện chỉ khoảng 40-50 do các gia đình không đủ chi phí.
'Số tiền quá lớn, bệnh nhân đặt hết kỳ vọng vào ca mổ phải trả giá bằng cả gia tài hoặc cầm cố nhà đất. Mỗi lần mổ là một lần các bác sĩ phải cực kỳ cẩn thận. May mắn đến nay tỷ lệ thành công là 100%', bác sĩ chia sẻ.
Điều mong mỏi của bác sĩ Minh là thành lập một quỹ hỗ trợ trẻ em khiếm thính để giúp những trẻ em nghèo bất hạnh có được cơ hội thay đổi số phận của mình, trở thành người có ích cho xã hội.
Tốp nghiệp bác sĩ nội trú với những cơ hội rộng mở nhưng ngay từ đầu bác sĩ Minh lại chọn đi theo ngành tai. Ảnh: Lê Phương.
Chị Nguyễn Lan Anh, giám đốc chuyên môn một đơn vị cung cấp điện cực ốc tai, có thời gian dài gắn bó với những ca mổ của bác sĩ Minh cho biết chị hiếm thấy phẫu thuật viên nào có sự 'kính trọng bệnh nhân' đến vậy.
Trên bàn mổ gây mê, dù bệnh nhân không biết gì nhưng nhìn cách cư xử, cách cẩn trọng đi từng đường dao mổ mới thấy sự tận tâm của bác sĩ Minh.
'Bác sĩ mổ giỏi có thể nhiều, nhưng bác sĩ yêu quý bệnh nhân trên bàn mổ như bác sĩ Minh không phải dễ gặp', chị Lan Anh chia sẻ.
>> Xem thêm: Làm sao để phát hiện trẻ câm điếc bẩm sinh?
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!