Đề phòng bệnh cúm
Thời tiết thay đổi làm khả năng đề kháng của cơ thể bị suy giảm nên dễ mắc các bệnh về hô hấp, nhất là cảm cúm. Các vi-rút gây bệnh thường lây truyền qua không khí bởi các hạt nước bọt li ti được bắn ra do ho, hắt hơi hoặc qua các chất dịch tiết của người bệnh. Bệnh lan truyền từ người bệnh sang người lành, khi những hạt nước bọt li ti có chứa vi-rút cúm bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi ho hắt hơi.
Sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh cúm, trong vòng 4 ngày sau người bị nhiễm có thể xuất hiện các triệu chứng nhiễm bệnh và sau đó khoảng 1-3 ngày sẽ xuất hiện các dấu hiệu của bệnh cảm cúm. Biểu hiện đầu tiên, thường gặp nhất của người mắc bệnh là mệt mỏi, sốt, nhức đầu và lừ đừ, kế đến bị đau hay rát họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, ho, sốt có thể gặp sốt nhẹ trong những ngày đầu, sau đó sốt cao và bệnh có thể kéo dài trong vài ngày, có thể kéo dài 7-10 ngày. Nếu không được chăm sóc tốt, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác như viêm phổi, suy hô hấp, nhất là với những người có sức đề kháng kém.
Để phòng bệnh cúm, mỗi người cần vệ sinh cá nhân tốt, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường bổ sung vitamin C cho cơ thể, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch.
Thời tiết thay đổi, cơ thể dễ bị vi-rút, vi khuẩn xâm nhập (Ảnh minh họa: Internet)
Đề phòng bệnh lý trên hệ tiêu hóa
Thời tiết lạnh khiến mọi người thường nghĩ đến ăn uống, ăn nhiều hơn. Do vậy, cơ thể sẽ bị mất cân bằng nên sẽ gây ra những xáo trộn trên hệ thống tiêu hóa.
Mặt khác, nếu không bảo quản tốt thực phẩm thì đây sẽ là nơi thu hút ruồi nhặng và tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển và gây nên các bệnh lý về đường tiêu hóa mà thường thấy nhất là bệnh tiêu chảy.
Vì vậy, để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa, bệnh tiêu chảy do vi khuẩn thức ăn, mọi nhà cần có chế độ bảo quản thức ăn và có chế độ ăn phù hợp, không nên ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, không nên sử dụng nhiều bia, rượu, không nên dự trữ thức ăn trong nhiều ngày, nếu thức ăn có mùi vị lạ, phải hủy bỏ ngay.
Một số loại bánh có thể tồn trữ lâu nhưng nếu thấy nấm mốc xuất hiện bên ngoài và lan đến phần bánh bên trong thì kiên quyết hủy bỏ; lạp xường trước khi ăn cần nướng hoặc chiên cẩn thận.
Thực đơn phải chú ý đến việc gia tăng các loại rau và hoa quả tươi nhằm phòng ngừa được một số bệnh đường ruột, giảm tác hại đối với tim mạch do thức ăn gây ra, cần thiết phải cân đối các chất trong bữa ăn và ăn kèm với các thức ăn nhiều chất xơ.
Sau khi uống quá nhiều rượu, bia nên uống nhiều nước để cung cấp nước cho cơ thể, vì gan rất cần nước để chuyển hóa rượu và mỡ.
Giữ ấm cơ thể trong thời tiết lạnh giá để không bị bệnh tật tấn công (Ảnh minh họa: Internet)
Riêng với người cao tuổi, để bảo vệ sức khỏe trong dịp này cần lưu ý:
- Thường xuyên mặc đủ ấm, chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực, đôi bàn chân; không nên đi xa, không đi chơi khuya, nhất là những ngày thời tiết giá lạnh cần tránh ra ngoài trời, đặc biệt là không ra ngoài trời khi vừa uống rượu, bia... để đề phòng cảm lạnh.
- Duy trì nền nếp sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi.
- Về ăn uống, tránh quá bữa, bỏ bữa nhưng cũng không ăn quá nhiều bữa, dù ngon miệng cũng chỉ nên ăn vừa phải. Người có bệnh tim mạch chẳng hạn, nếu ăn quá no, làm máu dồn nhiều về dạ dày để tăng cường tiêu hóa thức ăn, dẫn đến thiếu máu cục bộ ở cơ tim và não bộ làm phát sinh các cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim; có thể gây đột qụy nếu có tình trạng thiểu năng tuần hoàn trước đó.
- Cần giảm các thức có nhiều mỡ, tránh ăn các thực phẩm như thịt mỡ và các phủ tạng, hạn chế uống nước ngọt, ăn mứt, bánh kẹo, nhớ uống đủ nước, nên ăn nhiều rau quả tươi để cung cấp cho cơ thể đủ lượng các chất khoáng, các loại vitamin nhất là các vitamin C, E, beta-caroten… là những chất chống oxy hóa mạnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!