Cẩn thận với viêm nang lông

Bài thuốc dân gian - 11/24/2024

Biểu hiện của viêm nang lông là trên da xuất hiện các sẩn đỏ hoặc mụn mủ ở cổ nang lông, xung quanh có quầng đỏ.

Viêm nang lông là viêm ở phần nông của nang lông, có thể xảy ra ở một vài nang lông nhưng cũng có khi ở nhiều nang lông, ở mọi vùng da có lông trên cơ thể. 

Các tác nhân gây viêm nang lông có nhiều loại. Đa số trường hợp viêm nang lông là do tụ cầu khuẩn. Ngoài ra có thể do vi khuẩn gram âm, Pseudomonas, Proteus, nấm men, nấm sợi, nhiễm virut Herpes, u mềm lây và ký sinh vật Demodex.

Biểu hiện của viêm nang lông là trên da xuất hiện các sẩn đỏ hoặc mụn mủ ở cổ nang lông, xung quanh có quầng đỏ. Khi mụn vỡ để lại vết chợt nhỏ và đóng vẩy tiết. Có thể chỉ có vài mụn nhỏ rải rác nhưng cũng có khi tụ thành đám mụn viêm vùng râu mép, râu cằm... Viêm nang lông ở chân thường hay gặp ở phụ nữ cạo lông hoặc tẩy lông chân, thường viêm do nhiễm khuẩn.

Cẩn thận với viêm nang lông

Ảnh minh họa

Trên thân mình, có thể gặp viêm nang lông ở các nếp gấp như nách do tụ cầu, ngoài ra có thể do Pseudomonas aeruginosa, nấm men Malassezia, Candida. Khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn là những yếu tố thuận lợi để bệnh phát triển. Cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da là những tác nhân thường gây viêm nang lông.

Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, sinh dục - hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi có corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị đái tháo đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường.

Điều trị viêm nang lông nhẹ chủ yếu là tại chỗ: dùng các thuốc bôi chống nhiễm khuẩn như betadin, cồn iode, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh. Trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.

Bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị sớm, không nên tự điều trị tại nhà hoặc không điều trị gì, có thể bội nhiễm thành nhọt. Do môi trường làm việc nhiều bụi, mồ hôi ra nhiều nên bạn cần mặc quần áo bằng chất liệu vải bông thoáng mát, dễ thấm mồ hôi, không mặc quần áo lót quá bó sát. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần có chế độ ăn cân đối, uống đủ nước (1,5 lít nước mỗi ngày).

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!