Dịch COVID-19 đang lây lan ra hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, dịch có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào Việt Nam với các ca mắc mới. Để phòng chống bệnh, người dân đã tạo cho mình thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, thói quen dùng chung bát nước chấm, chung đũa để gắp thức ăn, chung thớt để thái thức ăn sạch và đồ sống… là nguy cơ lây bệnh, đặc biệt bệnh lây truyền do virus, kể cả viêm gan B, C. Duy trì lối sống tích cực, lành mạnh, nâng cao hệ miễn dịch để có sức đề kháng phòng chống COVID-19 là điều vô cùng cần thiết.
Những ngày vừa qua, khảo sát trên thị trường, chúng tôi thấy rất nhiều người dân đã tạm thời không ăn uống ngoài hàng quán để phòng bệnh COVID-19. Chị Trần Thu Hà, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: 'Bữa trưa trước đây của dân văn phòng chúng tôi là ăn cơm hoặc thức ăn nhanh ở hàng quán, nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tôi nấu cơm hộp mang từ nhà đi, tôi sợ ăn uống bên ngoài mình phải ăn chung bát, đũa, uống chung cốc, nhỡ có người mắc bệnh mình không biết, bát đũa lại không được vệ sinh sạch sẽ, dễ lây bệnh'.
Còn chị Bùi Thu Lan, đồng nghiệp của chị Hà chia sẻ: 'Bữa trưa tôi chỉ ăn nhẹ, yêu cầu chủ hàng cho sử dụng cốc, bát, đũa dùng 1 lần vì sợ ăn chung sẽ lây bệnh'.
Liệu lo lắng của người dân có thái quá hay không? Chia sẻ về điều này tại buổi Tọa đàm 'Tăng cường sức đề kháng phòng, chống COVID-19' do Báo Nhân dân tổ chức mới đây, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định: 'Hành động dùng đũa hay dùng thớt cho các loại thức ăn chung tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh, nhất là các bệnh lây truyền do virus gây ra hay các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa'.
GS Tuyên cũng cho biết, sai lầm của các bà nội trợ là coi tủ lạnh như vật toàn năng có thể ngăn chặn mọi virus, vi khuẩn. Nhiều bà nội trợ khi đi chợ về để nguyên cả túi nilon cho vào tủ lạnh, điều này dễ làm lây nhiễm vi khuẩn vào thực phẩm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Do vậy, khi mua thực phẩm về, cần bỏ túi nilon ở chợ và thay đồ đựng riêng ở nhà, trước khi cho vào tủ lạnh.
Bên cạnh đó, thói quen mua thức ăn dự trữ và để đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh cũng tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe mà nhiều người không biết. Điều này cũng được chuyên gia về chống độc cảnh báo, thức ăn tốt nhất chỉ được bảo quản trong tủ lạnh 1 tuần, vì nhiệt độ của tủ lạnh chỉ ở mức -7 đến -8 độ C, do vậy muốn bảo quản thức ăn lâu hơn, phải cho chúng vào tủ cấp đông. Để phòng bệnh, các bà nội trợ cần thường xuyên vệ sinh tủ lạnh, thức ăn chín và sống để riêng, đậy kín để tránh vi khuẩn từ thức ăn sống lây sang thức ăn chín.
GS Tuyên cũng khuyến cáo, để đảm bảo an toàn, chúng ta nên sử dụng găng tay khi lựa chọn thực phẩm ở chợ và khi mua về nhà chúng ta bảo quản, bọc gói thực phẩm sạch sẽ. Cố gắng ăn thực phẩm chín, uống nước sạch hoặc đun sôi.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các biến chứng có thể xảy ra với người bệnh mắc COVID-19, theo nghiên cứu từ bệnh nhân tại Trung Quốc, biến chứng viêm phổi là nghiêm trọng nhất. Tuy nhiên, mức độ viêm phổi cũng rất khác nhau ở các bệnh nhân. Ước chừng có khoảng 15% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi rất nặng.
Ngoài ra, có khoảng 7% bệnh nhân có biến chứng suy thận. Và trong số các bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi rất nặng, có thể có một số bệnh nhân bị tiến triển tổn thương đa tạng. Bệnh nhân nặng, nhẹ khác nhau là do sức đề kháng khác nhau.
Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hệ miễn dịch được chia thành miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch chủ động. Miễn dịch bẩm sinh tuy không đặc hiệu và nó không giống như các vaccine mà tạo ra hệ thống miễn dịch chủ động, nhưng đó cũng là hàng rào bảo vệ đầu tiên để tránh virus xâm nhập trong cơ thể.
Do vậy, theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng, để phòng bệnh COVID-19, mọi người cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh, điều này đóng vai trò hết sức quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống dịch bệnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!