Cảm cúm
Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người phụ nữ thường xuyên mệt mỏi, sức đề kháng giảm sút nên càng dễ mắc bệnh tật. Nhiều chuyên gia khuyên rằng, mẹ bầu không nên để bị nhiễm cúm trong thời gian mang thai 3 tháng đầu thì đây là giai đoạn cơ thể thai nhi đang trong quá trình hình thành, nếu người mẹ mắc bệnh có thể gây ra tình trạng thai lưu, sảy thai hoặc thai bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, dị tật ở tim, não, thoát vị đốt sống, đục thuỷ tinh thể.
Vì vậy, khi thấy cơ thể có dấu hiệu mắc bệnh, mẹ bầu cần lưu ý, không nên tự ý uống thuốc trị cảm bừa bãi mà cần có sự chỉ định, theo dõi của thầy thuốc. Thực hiện siêu âm, xét nghiệm định kỳ để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi để có hướng can thiệp kịp thời.
Cúm là căn bệnh bà bầu rất dễ mắc phải, đặc biệt là khi thời tiết trở lạnh
Bà bầu nhiễm vi-rút Herpes
Vi-rút Herpes có thể lây truyền qua đường tình dục, lây từ mẹ sang con. Nếu chị em có biểu hiện ngứa, đau vùng kín, xuất hiện mụn nước, bọng nước hoặc vết loét da ở cơ quan sinh dục thì cần nghĩ ngay đến việc bị nhiễm Herpes sinh dục. Nếu đã bị nhiễm vi-rút Herpes thì nó tồn tại mãi trong cơ thể người và tái phát khi có cơ hội thuận lợi.
Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi-rút Herpes thường bị ngứa, khó chịu vùng kín, cơ thể mệt mỏi, đau đầu, sốt nhẹ, rối loạn tiểu tiện và đối mặt với nguy cơ sảy thai, sinh non rất cao. Chị em nên khám tiền sản trước khi có ý định mang bầu để biết về tiền sử bệnh và được tư vấn phòng bệnh hiệu quả.
Bệnh tình dục
Bà bầu mắc các bệnh xã hội thường có dấu hiệu sớm là ngứa vùng kín, dịch âm đạo có mùi hôi, có màu bất thường, kèm theo biểu hiện đau bụng dưới, sốt nhẹ, suy giảm ham muốn tình dục… Thậm chí một số trường hợp, chị em mắc bệnh hoàn toàn không có dấu hiệu hoăc triệu chứng nào cho tới khi con chào đời mới… ngã ngửa khi biết bệnh.
Vi-rút giang mai sẽ truyền sang nhau thai làm tổn hại bào thai trong tử cung. Nhiễm khuẩn lậu, chlamydia, mụn rộp sinh dục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ trẻ sơ sinh ngay khi bé chào đời. Bên cạnh đó, không ít mẹ bầu mắc bệnh xã hội đều phải đối mặt với nguy cơ vỡ màng ối sớm, thai chết lưu, sinh non, con nhẹ cân, trẻ bị nhiễm khuẩn mắt, viêm dây thần kinh, viêm gan, viêm màng não, sản phụ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu sau sinh, viêm khung chậu.
Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh vùng kín, mẹ bầu cần thăm khám sản phụ khoa và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, từ đó có phác đồ dự phòng giúp giảm thiểu nguy cơ tai biến sản khoa cho mẹ và bé. Một số bệnh xã hội như nhiễm khuẩn âm đạo, giang mai có thể sử dụng thuốc đặt kháng sinh nhưng các bệnh do vi-rút tấn công như mụn rộp, HIV sẽ rất khó điều trị cho bà bầu. Ngoài ra, các trường hợp này có thể phải chỉ định sinh mổ để tránh lây nhiễm cho trẻ sơ sinh.
Bà bầu phải khỏe mạnh thì em bé sinh ra cũng được khỏe mạnh
Thuỷ đậu
Thực tế, thuỷ đậu là bệnh lành tính, người bình thường có sức đề kháng tốt khi nhiễm bệnh đều có thể nhanh chóng hồi phục mà không gặp biến chứng nguy hiểm nào, tuy nhiên với phụ nữ mang thai điều này lại khá khó khăn. Người mẹ mắc bệnh có thể bị viêm phổi, tổn thương gan, não, truyền bệnh sang cho thai nhi khiến trẻ sinh ra có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh.
Rubella
Rubella được xem như một dạng bệnh lý về sốt phát ban, và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nhưng nếu bệnh xuất hiện ở người đang mang thai, đây thực sự là nỗi ám ảnh. Mẹ bầu mới mang thai mắc Rubella có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới thai nhi, còn gọi là hội chứng Rubella bẩm sinh.
Thai nhi dễ gặp biến chứng như sinh non, nhẹ cân, đục thuỷ tinh thể, bại não, mù loà… Những bà bầu mang thai ở giai đoạn đầu khi nhiễm Rubella thường được khuyên đình chỉ thai sản do khả năng dị tật ở thai nhi lúc này rất cao, lên đến 80%.
Viêm gan B
Nhiều thai phụ tá hoả khi biết rằng mình đã nhiêm viêm gan B từ lúc nào không hay, do không thấy cơ thể có gì đặc biệt trong khi đó nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là rất lớn.
Tuy nhiên, nếu bà bầu được điều trị kịp thời trước khi mang thai để hạ thấp lượng vi-rút trong cơ thể và điều trị tiếp trong thời gian mang thai. Sau khi sinh, trẻ sơ sinh lại được tiêm ngay huyết thanh và vắc-xin ngừa viêm gan B ngay trong 24 giờ đầu mới sinh thì nguy cơ lây nhiễm gần như là không còn.
Tiêm phòng trước khi mang thai là cách phòng bệnh tốt nhất cho cả mẹ và bé
Lưu ý cho mẹ bầu để mang thai khỏe mạnh
Trên đây là một số căn bệnh thông thường nhưng có thể đe doạ an toàn cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Vì vậy chị em trước khi mang thai cần có kế hoạch sinh nở rõ ràng, và ghi nhớ một số lưu ý sau:
- Thực hiện đầy đủ các mũi tiêm chủng ngừa trước khi mang bầu từ 3-6 tháng như cúm, Rubella, viêm gan B, thủy đậu…
- Hạn chế đến nơi đông người trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát. Cách ly hoàn toàn với người mắc bệnh hoặc tuân thủ quy định điều trị nếu đã mắc bệnh.
- Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Thăm khám trước, trong và sau sinh nở để đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi cũng như theo dõi sức khoẻ của bé sơ sinh.
Ảnh minh họa: Internet
Thanh Lê
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!