Những ghi nhận đầu tiên trong y văn thế giới về bệnh màng trong là của những bác sĩ sản khoa ở Anh, Pháp và Đức ngay từ cuối thế kỷ 18.Các nhà khoa học bao gồm các nhà sinh lý học, vật lý học và bác sĩ đã mất rất nhiều công sức tìm hiểu cơ chế bệnh sinh của chứng suy hô hấp nặng nề ở trẻ sơ sinh non tháng. Nhiều giả thuyết được đặt ra và cũng đã dẫn đến nhiều cách điều trị sai lầm như điều trị bệnh màng trong bằng cách vận mạch, nâng huyết áp hay truyền fibrinogen, điều trị rối loạn đông máu…
Nguy hiểm tính mạng trẻ sơ sinh ở 7 ngày đầu
Mary Allen Avery, sinh năm 1927, mất năm 2011, là một bác sĩ Nhi khoa người Mỹ. Bà học Y khoa ở ĐH Jonh Hopkins.Khi đó, trường Y của ĐH Havard không nhận sinh viên nữ và bà là một trong 4 sinh viên nữ của lớp học 90 người. Vừa tốt nghiệp đại học y, bà mắc bệnh lao phổi, cũng do cơ duyên này mà bà quan tâm đến bệnh lý của phổi.
Bà đã tự chữa trị cho mình. Sau đó, bà tiếp tục chương trình nội trú của mình với học bổng nghiên cứu nhi khoa ở Trường Y Havard. Buổi tối, bà làm việc tại phòng sanh và quan sát thấy rất nhiều trẻ non tháng bị chết vì suy hô hấp.Bà đã mổ phổi những đứa trẻ này và so sánh với phổi của những động vật thí nghiệm.Bà ngờ rằng phổi của những đứa trẻ sinh non thiếu một chất rất quan trọng khiến chúng chỉ thở được vài giờ hoặc vài ngày.
1963, con trai của tổng thống John. F. Kennedy chết vì bệnh màng trong khiến những nghiên cứu về căn bệnh này càng được thúc đẩy. Bệnh màng trong được xem là một hội chứng rất nguy hiểm cho tính mạng của trẻ sơ sinh, nhất là trong 7 ngày đầu sau sinh và có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời.
Trẻ sơ sinh càng non tháng, nguy cơ bị hội chứng nguy kịch hô hấp càng cao. Nguyên nhân của hội chứng này do thiếu chất hoạt diện bề mặt ở phổi (surfactant) kết hợp với giảm chức năng hoạt động của phổi do phổi chưa trưởng thành hoặc bị tổn thương.
Bệnh xuất hiện ngay sau khi sinh với biểu hiện suy hô hấp nặng, thường gặp ở trẻ đẻ non, thiếu cân. Rất ít trẻ mắc bệnh màng trong được cứu sống.Ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong của bệnh chỉ đứng sau chảy máu phổi.
Một em bé sinh non được chăm sóc tại Bệnh viện từ Dũ
Ở phổi người bình thường, bên trong phế nang có chất giảm hoạt bề mặt surfactant, giúp cho các phế nang không bị xẹp. Ở trẻ đẻ non, phổi chưa trưởng thành, surfactant thiếu cả về lượng và chất nên phế nang bị xẹp, huyết tương tràn vào phế nang; chất fibrin của huyết tương lắng đọng phía trong các phế nang và tiểu phế quản, tạo thành một lớp màng, gọi là màng trong. Màng này cản trở sự lưu thông khí và sự trao đổi oxy, cacbonic từ phế nang qua các mao mạch, gây suy hô hấp và tử vong rất nhanh.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh, người mẹ cần điều trị tốt bệnh đái tháo đường, không lạm dụng chất corticoide trong thời gian mang thai.
Thai phụ phải đảm bảo sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lao động phù hợp, khám theo dõi thai đều đặn để hạn chế tối đa tình trạng đẻ non, đẻ con nhẹ cân.
Khi sinh, sản phụ phải đến cơ sở y tế, tuyệt đối không sinh con tại nhà mà cần được nữ hộ sinh hoặc bác sĩ chuyên sâu đỡ đẻ. Sau sinh, sản phụ và người chăm sóc trẻ cần biết cách theo dõi, phòng tránh suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Với trẻ đẻ non thiếu tháng, cân nhẹ, nên chủ động bơm chất surfactant vào phổi qua ống nội khí quản để phòng tránh bệnh màng trong.
Các yếu tố thuận lợi gây bệnh màng trong
- Trẻ đẻ non dưới 28 tuần: Tỷ lệ mắc bệnh màng trong là 50 - 60%, nhất là cân nặng của trẻ dưới 1.000g hoặc trẻ đẻ sinh đôi.
- Trong thời gian chuyển dạ, mẹ chuyển dạ lâu, băng huyết, thai bị suy cấp hoặc đẻ ra bị ngạt.
- Trong thời kỳ có thai, mẹ bị bệnh đái tháo đường hoặc điều trị một bệnh nào đó bằng corticoide kéo dài.
- Ngoài ra bệnh còn do yếu tố gien di truyền, tức trong một gia đình, một số phụ nữ con sinh ra bị mắc bệnh màng trong.
Bệnh lý màng trong thường xuất hiện vài phút đến hai giờ sau khi chào đời, biểu hiện thường là hội chứng suy hô hấp nặng không tìm thấy các nguyên nhân như nhiễm khuẩn, ngạt nước ối, hít phải phân su. Trẻ khó thở, thở nhanh nông, nhịp thở trên 60 lần/phút; các khoang liên sườn, hõm trên ức co kéo, cánh mũi phập phồng, toàn thân tím tái; thở ôxy không đỡ. Ở thể nhẹ và được điều trị đúng, trẻ có thể khỏe dần sau 72 giờ, các triệu chứng cũng giảm dần.
Tuy nhiên nếu ở thể nặng, trẻ có thể tím tái, khó thở tăng lên, huyết áp hạ, thân nhiệt hạ, trẻ sẽ chết sau vài giờ. Nếu may mắn thoát chết, trẻ có thể bị các di chứng như thiếu ôxy não, xuất huyết não, hạ đường huyết. Các thống kê cho thấy trẻ đủ tháng phục hồi tốt và tỷ lệ tử vong ít hơn trẻ thiếu tháng.
Trẻ mắc bệnh màng trong phải điều trị ở bệnh viện. Cần đặt trẻ trong lồng ấp 36,5 - 37 độ C; truyền gluco, đạm mỡ, bicarbonat; hô hấp hỗ trợ; nhỏ giọt dung dịch surfactant qua ống nội khí quản vào phổi trẻ.
Phân tích về kinh nghiệm và hiệu quả của điều trị hội chứng nguy kịch hô hấp trên thế giới trong nhiều năm qua, BS.CKII. Nguyễn Thị Từ Anh - Trưởng khoa Sơ sinh, BV. Từ Dũ cho rằng ngoài các biện pháp điều trị triệu chứng như hạn chế tác động vào trẻ, theo dõi phổi định kỳ, đo huyết áp; kiểm soát nhiệt độ; cung cấp ô xy quahệ thống CPAP hoặc qua máy thở; thông khí nhân tạo; dùng kháng sinh; điều chỉnh toan; dùng protein thay thế, cân bằng điện giải… việc dùng surfactant thay thế sẽ cải thiện oxy máu, giúp giảm 50% tỷ lệ tử vong và giảm biến chứng tràn khí màng phổi 50%.
Đồng thời với khả năng làm giảm tỷ lệ mắc hội chứng loạn sản phế quản - phổi (bronchopulmonary dysplasia), liệu pháp Surfactant cũng đã góp phần vào việc cải thiện chất lượng điều trị cho trẻ sinh non.
Theo BS. Từ Anh, các thành công từ nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trong thập niên 70 của thế kỷ trước đã khởi đầu cho việc sử dụng surfactant để điều trị cho trẻ sơ sinh non tháng bị bệnh màng trong. Tử vong vì bệnh màng trong ở Mỹ đã giảm từ 10.000 ca/năm (1970) xuống còn 860 ca/năm (2005).
Khuynh hướng sử dụng surfactant hiện nay tập trung vào chiến lược sử dụng sớm trong 2 giờ đầu và ít xâm lấn (phương pháp LISA – Less Invasive Surfactant Administration) nhằm giảm các biến chứng và giảm thời gian nằm viện. Trong 2 năm gần đây, phương pháp ít xâm lấn (LISA) đã được áp dụng thành công tại Khoa Sơ sinh BV. Từ Dũ.
Để có thể điều trị hiệu quả Hội chứng nguy kịch hô hấp trẻ sơ sinh (RDS), cần có sự phối hợp của Sản khoa và Nhi khoa, từ việc sử dụng steroids trước sinh cho các thai phụ có nguy cơ sinh non đến hồi sức sơ sinh đúng cách ngay sau sinh, ổn định thân nhiệt, sử dụng oxy một cách thận trọng và sử dụng liệu pháp surfactant.
MÀNG TRONG LÀ GÌ?
-Ở phổi người bình thường, bên trong phế nang có chứa một chất Surfactan, đây là chất giảm hoạt bề mặt có tác dụng duy trì tính ổn định của phế nang, giúp cho các phế nang không bị xẹp.
-Chất giảm hoạt bề mặt ở phổi của bào thai xuất hiện tương đối vào tuần thứ 20. Nó phủ vách trong của phế nang và có trong nước ối vào tuần thứ 28 - 36.Ở trẻ sinh non khi phổi chưa thực sự trưởng thành chất giảm hoạt bề mặt sẽ chưa hoàn thiện.Khi thiếu chất này, phế nang sẽ bị xẹp, dẫn đến hiện tượng huyết tương tràn vào phế nang, chất fibrin của huyết tương lắng đọng phía trong của các phế nang và các tiểu phế quản, tạo thành một lớp màng. Màng này cản trở sự lưu thông khí và sự trao đổi ôxy, lúc này CO2 từ phế nang qua các mao mạch dẫn đến suy hô hấp và gây tử vong nhanh.
So với trẻ đủ tháng, trẻ sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp và những trở ngại trong nuôi dưỡng. Chi phí y tế dành cho trẻ sinh non gấp 10 lần cho trẻ đẻ đủ tháng, thời gian nằm viện dài gấp 9 lần.Trẻ sinh non sống sót phải đối mặt với nguy cơ bất thường trong phát triển vận động, thần kinh, giảm khả năng học tập.Khoảng 25% trẻ sinh non bị mù hoặc giảm thị lực, 5% trẻ giảm thính lực. Những di chứng dài hạn có thể gặp như tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, hen suyễn...
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!