Cứu sống bé sơ sinh non tháng có khối u quái khủng ở vùng mặt cổ

Thời sự - 11/24/2024

BV Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) phối hợp với BV Nhi đồng thành phố vừa cứu sống bé sơ sinh non tháng có khối u Teratoma (u quái) khủng vùng mặt cổ.

Cứu sống bé sơ sinh non tháng có khối u quái khủng ở vùng mặt cổ

Các bác sĩ BV Hùng Vương và Nhi đồng Thành phố thực hiện ca mổ lấy bé sơ sinh non tháng có khối u quái khủng ở vùng mặt cổ

Theo bác sĩ Nguyễn Vạn Thông, trưởng khoa Di truyền y học bệnh viện Hùng Vương, đây là trường hợp rất hiếm gặp. Thai nhi là con thứ 3 của sản phụ Nguyễn Thị L. 34 tuổi. Khi khám thai đến tuần 20 thì phát hiện thai có u lớn vùng cổ mặt nghi Teratoma kèm theo tình trạng tim lớn hơn bình thường. Chọc ối phát hiện vi lặp đoạn nhiễm sắc thể 8. Tuy nhiên sau khi được tư vấn, gia đình vẫn quyết định giữ thai và hi vọng kỹ thuật y học hiện đại sẽ có thể giúp được bé.

Đến tuần thứ 34, tình trạng thai xuất hiện diễn tiến nguy hiểm: đa ối nặng, chậm tăng trưởng. Chụp MRI xác định khối u quái có kích thước 108mm x 88mm x 72mm xâm lấn cằm, sàn miệng, vùng mặt 2 bên vào khoanh cạnh hầu, khoang cảnh 2 bên, khoang sau hầu, lan xuống trung thất trên, bao quanh các mạch máu lớn trung thất nghi ngờ chèn ép khí quản.

Sau khi BV Hùng Vương hội chẩn cùng bệnh viện Nhi đồng thành phố, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai, chuẩn bị thực hiện thủ thuật EXIT nếu cần thiết để cứu sống em bé.

11g38 ngày 27/8/2020 ê kíp mổ do các bác sĩ nhiều kinh nghiệm của khoa Sản bệnh đã phối hợp cùng ê kíp khoa Sơ sinh và các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng thành phố cứu thành công bé gái cân nặng 2260g.

Ngay sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, bé được hỗ trợ hô hấp qua nội khí quản và chuyển bệnh viện Nhi đồng thành phố tiếp tục chăm sóc.

Cứu sống bé sơ sinh non tháng có khối u quái khủng ở vùng mặt cổ

Bé sơ sinh có khối u khủng ở vùng mặt cổ 

Teratoma hay u quái là một trường hợp tế bào đột biến hiếm gặp – bên trong khối u chứa các mô và cơ quan phát triển toàn diện, bao gồm tóc, răng, cơ và xương.

Theo nghiên cứu, u quái thường xuất hiện ở ba bộ phận là xương cụt, buồng trứng và tinh hoàn. Mặc dù vậy, tình trạng đột biến hy hữu này vẫn có khả năng xảy ra ở những bộ phận khác trong cơ thể.

Bất cứ ai, bao gồm cả người cao tuổi, người trưởng thành, trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh đều có nguy cơ phát triển u quái. Tuy nhiên, theo thống kê, teratoma phổ biến hơn ở nữ giới.

Teratoma là hệ quả của tình trạng đột biến trong quá trình tăng trưởng cơ thể, liên quan đến cách các tế bào phân chia và biệt hóa. U quái chủ yếu phát triển từ tế bào mầm, loại tế bào có khả năng biệt hóa thành bất kỳ loại tế bào chuyên biệt nào khác có thể tìm thấy trong cơ thể.

Điều này giải thích vì sao bạn có thể tìm thấy tóc, xương, răng… bên trong u quái hay u quái thậm chí còn có thể phát triển giống bào thai. Vị trí xuất hiện u quái cũng có thể cho thấy chúng phát triển từ loại tế bào mầm nguyên thủy nào.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng thành phố mới nhất mà phóng viên có được, bệnh nhi đang đuợc điều trị chăm sóc tích cực tại khoa Hồi Sức Sơ Sinh. Ngoài ra, tại đây, bệnh nhi lại được chẩn đoán lại là mắc Lymphagioma (u bạch huyết) khổng lồ.

BS Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, ban chẩn đoán tiền sản cho biết, bé được lên kế hoạch điều trị hỗ trợ thở máy kháng viêm và kiểm soát nhiễm trùng thật tốt, khi bé ổn định sẽ tiêm thuốc Bleo chống u, và dự kiến 3-6 tháng sau sẽ phẫu thuật u cho bé.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!