Cẩn trọng với những dịch bệnh trẻ dễ mắc phải khi đến trường

Làm mẹ - 11/24/2024

Theo các bác sĩ, trẻ dễ mắc bệnh khi bước vào năm học mới với các nhóm bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết và các nhóm bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa...

Theo các chuyên gia y tế, mùa tựu trường trùng thời điểm đầu mùa dịch của một số bệnh truyền nhiễm. Trong trường học, khoảng cách tiếp xúc giữa các cá nhân rất ngắn nên nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm là rất lớn.

Nhiều dịch bệnh tấn công

Mới cho con đi học được hai tuần, chị Trần Thị Nhung (quận 9) đành phải cho con nghỉ học vì bé bị sốt, ho, sổ mũi. Chị Nhung chia sẻ: “Năm nay gia đình mới cho bé đi nhà trẻ, nhưng mới đi học được một tuần mà bé bị bệnh và quấy khóc mãi. Đưa bé đi khám, bác sĩ nói bé bị viêm phế quản. Xót con nên gia đình đành phải để bé ở nhà, đợi khi nào hết bệnh mới cho bé đến trường”.

Cẩn trọng với những dịch bệnh trẻ dễ mắc phải khi đến trường

Mùa tựu trường, trẻ dễ bị tấn công bởi nhiều loại dịch bệnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trẻ mới đi học rất dễ bị nhiễm bệnh, nhất là những trẻ chưa có đủ miễn dịch trước khi đến trường. Những bệnh trẻ hay mắc phải như nóng, ho, sổ mũi, rối loạn tiêu hóa… Tới mùa bệnh, do tác nhân vi-rút như tay chân miêng, cúm cũng rất dễ lây lan, chỉ cần trong lớp có một trẻ bị cũng có khả năng lây cho cả lớp.

Các bác sĩ cho biết thêm, vào mùa tựu trường, trẻ còn dễ mắc phải bệnh về đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nhiễm trùng tiêu hóa. Nguồn lây bệnh chủ yếu là đồ chơi và dụng cụ học tập không được vệ sinh. Trẻ cũng khó tránh khỏi các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi bởi đây là bệnh lây lan chủ yếu qua đường không khí và nước bọt.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, vào khoảng tháng 8, tháng 9 là thời điểm bệnh tay chân miệng vào mùa. Bệnh rất dễ lây lan thành dịch qua đường nước bọt, dụng cụ sinh hoạt nếu không kịp thời cách ly, trường hợp không được điều trị đúng cách và kịp thời trẻ có thể bị biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 2.600 ca mắc bệnh tay chân miệng. Những tuần gần đây, trung bình mỗi tuần, thành phố ghi nhận 150 ca bệnh và bệnh này cũng đang có chiều hướng gia tăng. Bác sỹ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Trung tâm Y tế Dự phòng TP Hồ Chí Minh cảnh báo: Thời điểm bước vào năm học mới số ca mắc tay chân miệng sẽ còn gia tăng, nhất là ở các nhóm trẻ gia đình. Bởi số ca ở thể nhẹ ngoại trú cao gấp 5 lần số ca nhập viện nội trú nên nguy cơ lây lan cho cộng đồng ngày càng nhiều.

Ngoài bệnh tay chân miệng, bệnh sởi và bệnh sốt xuất huyết cũng đang có xu hướng gia tăng. Đây cũng là căn bệnh nguy hiểm, rất dễ lây lan trong cộng đồng, nhất là ở trong môi trường trường học đối với những trẻ chưa được chích ngừa vắc xin phòng sởi và trẻ ở môi trường không đảm bảo. Theo ngành y tế TP Hồ Chí Minh, trong đầu tháng 9, thành phố đã liên tiếp ghi nhận 3 ca mắc sởi mới. Như vậy từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 8 trường hợp mắc sở ở 8 quận, huyện gồm quận 2, quận 6, quận 8, Tân Phú, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Bình Chánh. Bên cạnh đó, mỗi tuần thành phố còn ghi nhận thêm 579 ca mắc sốt xuất huyết, tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay 10.769 ca.

Chủ động phòng bệnh cho trẻ

Cẩn trọng với những dịch bệnh trẻ dễ mắc phải khi đến trường

Đối với những bệnh có vắc xin phòng ngừa, phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát và lây lan nhanh, đặc biệt trong môi trường học đường, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ học sinh cần tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên tại nhà. Khi trẻ bị bệnh, sốt nên đưa trẻ đi khám bệnh và thông báo chẩn đoán của bác sỹ cho giáo viên. Nếu trẻ bị bệnh truyền nhiễm, cần cho trẻ nghỉ ở nhà đến hết thời gian cách ly theo chỉ định của bác sỹ và khuyến cáo của y tế học đường, không cho trẻ đi đến những nơi vui chơi đông người để tránh lây bệnh cho người khác. Nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch để trẻ được bảo vệ trước những bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo thêm: Trước khi cho trẻ đi học, ngoài việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ thì phụ huynh cũng cần phải tiêm chủng cho trẻ đối với những bệnh đã có vắc xin phòng ngừa như sởi, cúm… Khi trẻ đi học về, phụ huynh phải nhỏ mũi, thay quần áo, rửa tay sạch sẽ để tránh những tác nhân gây bệnh từ trường học.

Ngoài hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây, phụ huynh cần tăng cường miễn dịch cho trẻ bằng các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ miễn dịch như rau xanh, các thực phẩm giàu vitamin C, A, D, chất đạm có lợi; hướng dẫn trẻ vận động tập luyện thể thao ở nơi sạch sẽ đúng cách, thói quen sinh hoạt và lối sống lành mạnh.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!