Bánh tráng trộn là món ăn vặt vỉa hè được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng, phổ biến tại TP.HCM. Nguyên liệu làm bánh tráng trộn khá đa dạng bao gồm bánh tráng, mực khô, trứng cút, bò khô, rau răm, nước sốt me… Chính sự hòa trộn các nguyên liệu trong món ăn này lại ẩn chứa nhiều nguy hại khôn lường cho sức khỏe.
Sau đây là 5 mối nguy hiểm ẩn chứa trong bánh tráng trộn có thể 'đầu độc' sức khỏe của người tiêu dùng, mà những người trót 'nghiện' món ăn vặt này cần cân nhắc trước khi sử dụng:
Bánh tráng quá hạn sử dụng, ẩm mốc
Bánh tráng là nguyên liệu không thể thiếu của món ăn này. Tuy nhiên, việc sử dụng thực phẩm này lại không hề được kiểm định về chất lượng cũng như mức độ an toàn cho sức khỏe. Hiện nay, nhiều loại bánh tráng được bày bán tại các chợ đều không rõ xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng cũng không đảm bảo có thể dễ dàng trà trộn bánh tráng mới với các loại bánh tráng đã bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng.
Đấy là chưa kể việc sử dụng nguyên liệu làm bánh tráng cũng không đảm bảo, sản xuất với giá rẻ để thu nhiều lợi nhuận. Bên cạnh đó, bánh tráng thường được bán ở vỉa hè hay những khu chợ mất vệ sinh, không được che đậy kĩ càng, đặc biệt khâu chế biến bánh tráng cũng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của chúng ta.
Bánh tráng trộn là món ăn vặt vỉa hè được giới trẻ đặc biệt ưa chuộng, phổ biến tại TP.HCM (Ảnh minh họa: Internet)
Bò khô, mực khô bị làm giả
Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện những những loại cá mực khô hay bò khô giả, được bán với giá rẻ bất ngờ, thường được xé sẵn và đóng vào túi ni lông hay thùng giấy, không hề có nhãn mác, thời hạn sử dụng hay nguồn gốc rõ ràng.
Mực khô giả thường làm từ nhựa cao su dẻo hoặc bã sắn được xé sẵn, khi đốt trên ngọn lửa thường dễ cháy, mùi khét lẹt. Đặc biệt khi ngâm vào nước, mực sẽ nhanh chóng bị đổi sang màu trắng bệch, dễ dàng kéo dài ra theo sức đàn hồi của cao su.
Trong khi đó, bò khô giả lại thường được làm bằng lõi sắn tẩm gia vị cùng phẩm màu, mắt thường khó có thể phân biệt được, thậm chí là khi ăn cũng không nhận thấy điều bất thường. Bên cạnh đó, thịt bò ôi thiu được tái chế từ nguồn thịt bẩn, không rõ nguồn gốc cũng được sử dụng để làm bánh tráng trộn.
Sốt me và sa tế trộn từ dầu thải
Sa tế và sốt me là hai nguyên liệu không thể thiếu cho món bánh tráng trộn, chúng góp phần tạo nên hương vị hấp dẫn cho món ăn vặt này. Tuy vậy, để tiết kiệm chi phí, nhiều chủ cửa hàng đều tự tay làm nên những loại sốt này bằng cách sử dụng lại những dầu ăn thải không rõ nguồn gốc rồi trộn chung với ớt khô xay, để ở trong lọ.
Sốt me cũng được chế biến tương tự như sa tế. Chúng thường được đựng trong các chai lọ với kích thước khác nhau, không có nhãn mác hoặc sử dụng các chai lọ được tái chế lại đã quá cũ của các hãng sa tế hay sốt me, không đảm bảo vệ sinh cũng như điều kiện bảo quản thích hợp.
Sử dụng túi đựng từ nhựa tái chế cực độc
Bản thân những người tiêu dùng không thể chắc chắn được rằng những bọc ni lông dùng để đựng bánh tráng trộn có đảm bảo chất lượng hay không. Trên thực tế, một lượng lớn những loại túi được sử dụng cho bánh tráng trộn đều được bán rong ngoài đường, không rõ nguồn gốc, giá thành rẻ và không đảm bảo chất lượng.
Túi ni lông thường được sử dụng hiện nay chủ yếu làm từ nhựa PVC kèm theo các chất phụ gia khác khiến nó trở nên dai, mềm và dẻo hơn nhưng lại rất độc hại. Đấy là chưa kể những kim loại nặng, phẩm màu… từ túi ni lông này sẽ nhiễm sang thực phẩm trong quá trình sử dụng.
Thịt bò giả, mực cao su cũng có khả năng sử dụng trong món bánh tráng trộn (Ảnh minh họa: Internet)
Quy trình chế biến mất vệ sinh
Xoong nồi, túi ni lông, chậu nhựa… chưa chắc đã đảm bảo hợp vệ sinh. Ngoài ra, nhiều người bán còn sử dụng tay không để nhào trộn làm món bánh tráng trộn, trong khi bàn tay là nơi chứa đầy các vi khuẩn. Ngoài ra, xoài xanh, trứng cút hay rau răm không biết đã được sơ chế như thế nào, nguồn gốc ra sao, có đảm bảo hay không.
Không chỉ vậy, với cách bảo quản sơ sài của nhiều hàng quán bán bánh tráng trộn hiện nay sẽ tạo điều kiện cho chuột bọ, ruồi muỗi xâm nhập - nguồn truyền bệnh nguy hiểm.
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc cao
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những bịch bánh tráng trộn được bày bán ở những quán hàng rong hầu hết không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, bánh tráng trộn là món nguội nên thường không được khử trùng giống như các thực phẩm khác.
Chính vì vậy, người ăn rất dễ bị ngộ độc thực phẩm, gặp phải các triệu chứng như nhức đầu, ói mửa, thậm chí có thể để lại di chứng về tâm thần nếu món ăn không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ, nếu ăn bánh tráng trộn trước bữa cơm có thể gây đầy hơi, tăng đường huyết, từ đó sẽ trở nên biếng ăn và dần bị suy dinh dưỡng.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, bạn cần hạn chế ăn món bánh tráng trộn tại vỉa hè, nên ăn ở những nơi chất lượng, có uy tín. Ngoài ra, đây là món ăn khá dễ làm, bạn hoàn toàn có thể tự chế biến tại nhà để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình mình.
Hồng Nam
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!