Ca bệnh số 231 (BN231) công bố vào ngày 3/4 là trường hợp nhân viên thứ 27 của công ty Trường Sinh mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai lên 43 người.
Kể từ ngày công bố nhân viên đầu tiên của công ty này mắc COVID-19 (ngày 28/3 - bệnh nhân 168) thì đến nay, đã là một tuần, nhưng vẫn chưa có thông tin xác định được nguyên nhân nhân viên công ty Trường Sinh bị nhiễm virus.
Hay nói cách khác là chưa thể xác định được nguồn lây nhiễm ban đầu từ bên ngoài vào Bệnh viện Bạch Mai. Điều này chứng tỏ là có sự lây lan trong cộng đồng.
Theo chuyên gia, qua nghiên cứu đặc điểm dịch tễ tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, đã có nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Ảnh: Hà Trang
Hiện nay, các bệnh nhân liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai đang được điều trị rải rác ở các khoa (Viện Tim mạch 2 ca, TT Bệnh nhiệt đới 3 ca, Khoa Phục hồi chức năng 1 ca…), thì số lượng bệnh nhân là nhân viên của Công ty Trường Sinh chiếm nhiều hơn cả, 27 ca.
Trong số đó, đáng chú ý nhất là ca bệnh số 161 thuộc Công ty Trường Sinh. Bệnh nhân này đã có sự lây nhiễm rộng với người tiếp xúc.
Người này nằm cùng bệnh nhân đầu tiên nằm ở Khoa Thần kinh là bệnh nhân số 133. Sau đó, do bệnh nhân 161 tiếp xúc với con dâu và cháu gái đến chăm sóc, nên 2 người này đã lần lượt trở thành bệnh nhân số 162 và 163.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thực hiện cách ly xã hội tốt thì sẽ chặt đứt đường lây nhiễm.
Bệnh nhân 163 sau đó đã tiếp xúc gần với một phụ nữ sinh sống ở Long Biên và ngay lập tức, người này trở thành bệnh nhân thứ 209. Bệnh nhân số 227 (công bố ngày 02/4) chính là con trai của bệnh nhân 209.
Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết, trước đây, những ca lây lan ra cộng đồng đều xác định được nguồn lây nhiễm chính như: Khu Trúc Bạch (Hà Nội) liên quan đến bệnh nhân số 17, khu vực Bình Thuận liên quan đến bệnh nhân số 34.
Tuy nhiên đến các ca nhiễm liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), đặc biệt là tại khu căng tin do Công ty Trường Sinh đảm nhiệm thì không thể xác định được nguồn lây nhiễm ở bên ngoài vào.
Đặc biệt là nguồn nào đã lây nhiễm bệnh đến các nhân viên của Công ty Trường Sinh? Chỉ có ca dương tính, ca tiếp xúc gần, ca tiếp xúc với ca dương tính. Các chuyên gia về dịch tễ vẫn đang tiếp tục điều tra.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai cơ bản đã được kiểm soát tốt.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết: 'Có thể nói, điều tạm thời may mắn cho đến lúc này là không phát hiện được trường hợp nào của Công ty Trường Sinh làm ở các cơ sở dịch vụ khác như Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Nội tiết TƯ. Thứ hai là toàn bộ nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai và những người điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai là không có dương tính.
Mặc dù các ca bệnh liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai cơ bản đã được kiểm soát tốt, đây là tín hiệu tích cực, tuy nhiên, việc không xác định được nguồn lây nhiễm chính (kể cả là 2 trường hợp điều dưỡng viên đầu tiên trở thành bệnh nhân số 86- 87 và sau đó là các nhân viên của Trường Sinh), đã khiến chúng ta có lý do để lo lắng rằng, ở ngoài cộng đồng có thể sẽ có các ca lây lan từ chính các nguồn lây nhiễm chưa thế xác định này'.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: 'Dịch đang được cảnh báo lây lan ra cộng đồng. Và từ bài học của Bệnh viện Bạch Mai thì vấn đề mà các bệnh viện cần chú ý bây giờ không phải là nhân viên y tế trong bệnh viện nữa, bởi vì nhân viên y tế đã và đang làm rất tốt các biện pháp phòng chống bệnh, mà phải chú ý tới những người cung cấp dịch vụ và mạng lưới người chăm sóc bệnh nhân. Đây mới là mối lây lan dịch bệnh lớn nhất. Nếu các bệnh viện không quan tâm, chú trọng thì đây là những nguồn lây nhiễm nguy hiểm'.
'Ngoài ra, người dân phải thực hiện đúng theo tinh thần của Chỉ thị số 16 là cách ly xã hội. Yêu cầu cách ly xã hội của Chính phủ là để ngăn người bệnh tiếp xúc với người chưa nhiễm bệnh. Dịch cũng giống như một đám cháy, đám cháy nhỏ thì hoàn toàn có thể dập được và cách ly xã hội tốt thì dịch sẽ không bùng lên.
Tuy nhiên, nếu dịch lan rộng, không thể khoanh vùng thì sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó, tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu chữa. Vì vậy, thực hiện tốt cách ly xã hội sẽ chặt đứt đường lây nhiễm. Khi đó, các ca lây nhiễm chưa hoặc không thể xác định có ẩn trong cộng đồng cũng được cô lập, kiểm soát', PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!