Từ ngàn xưa, đàn ông và phụ nữ đã phải trải qua những bước dài để có được ngoại hình hấp dẫn. Trong đó, spa trị liệu làm đẹp và thư giãn là những phương pháp làm đẹp thường được sử dụng nhất, nó mang lại cảm giác thoải mái như bạn vừa có một kỳ nghỉ ngắn ngày.
Tuy nhiên, bạn đã bao giờ nghĩ rằng việc chăm sóc cơ thể và làm đẹp tại các spa có thể gây đột quỵ? Tuy báo cáo đột quỵ từ salon và công nghệ spa không phổ biến, nhưng trong y khoa đã có ghi nhận tình trạng đột quỵ khi làm đẹp trong những năm qua. “Hội chứng đột quỵ ở phòng chăm sóc sắc đẹp” đã dần trở thành khái niệm phổ biến trong cộng đồng y tế.
Tại sao đi spa hay salon lại gây ra đột quỵ và bạn có thể tự bảo vệ mình thế nào? Dưới đây là những thủ phạm làm tăng nguy cơ đột quỵ khi làm đẹp.
Gội đầu chuyên dụng
Đã có các báo cáo của bệnh nhân bị đột quỵ sau khi được làm tóc tại các spa. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học vật lý và Phục hồi chức năng Hoa Kỳ đã cố gắng làm sáng tỏ nguyên nhân của “Hội chứng đột quỵ ở phòng chăm sóc sắc đẹp”.
Nghiên cứu này đánh giá 25 tình nguyện viên bị chóng mặt sau khi tạo kiểu tóc ở salon. Kết quả cho thấy chóng mặt là do dòng máu đến não bị giảm do cổ bị ngửa ra sau và kéo căng một thời gian dài trong lúc gội đầu. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những khách hàng được làm tóc trong tư thế nẹp cổ thường ít bị chóng mặt hơn. Các nhà nghiên cứu thấy rằng nếu không có nẹp cổ trong khi làm tóc, lưu lượng máu qua động mạch cảnh (động mạch cung cấp máu lên não) sẽ giảm rõ rệt so với khi có nẹp cổ. Hơn nữa, làm tóc trong thời gian dài không có nẹp cổ còn ảnh hưởng đến các động mạch đốt sống (nằm ở mặt sau của cổ) của bạn.
Giải pháp cho bạn: Bạn cần tránh ngửa cổ ra sau quá mức và nên sử dụng nẹp cổ trong khi làm tóc. Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, phải dừng lại và chuyển về tư thế ngồi thẳng bình thường ngay lập tức.
Massage da mặt
Đã có một số báo cáo cho thấy đột quỵ có thể xảy ra sau khi chị em massage mặt. Nguyên nhân do những chấn thương trong quá trình xoa bóp có thể gây ra nứt hoặc tạo huyết khối trong mạch máu cung cấp cho não.
Giải pháp cho bạn: Bạn nên yêu cầu nhân viên xoa bóp cẩn thận, tránh đè nắn quá mạnh lên những mạch máu trên mặt.
Xoa bóp bằng máy cầm tay
Việc sử dụng máy xoa bóp điện tử cầm tay cũng có thể gây ra đột quỵ. Tương tự như xoa bóp mặt, máy xoa bóp đã được chứng minh là có thể gây thương tích đến các mạch máu ở cổ. Áp lực từ máy xoa bóp có thể gây ra rách mạch máu ở mặt trước hoặc phía sau cổ.
Giải pháp cho bạn: Bạn nên thận trọng và hạn chế sử dụng các thiết bị xoa bóp tại nhà.
Xoa bóp cổ và vai
Xoa bóp vai hoặc cổ có thể gây ra đột quỵ do chấn thương các mạch máu nằm ở cổ hoặc thậm chí các mạch máu nằm ở phía trước của ngực. Trường hợp hiếm, áp lực từ máy xoa có thể kích hoạt tạo ra cục máu đông, di chuyển đến não bộ và nằm chẹn dòng máu cung cấp cho não.
Giải pháp cho bạn: Phương pháp xoa bóp và thư giãn, bao gồm cả bấm huyệt, xoa bóp, thao tác bấm huyệt, điều trị chỉnh hình và các kỹ thuật khác cần được một chuyên gia được huấn luyện có kinh nghiệm thực hiện. Khi xoa bóp, bạn nên tránh đè ép vào các vùng có mạch máu chạy qua.
Đối với xoa bóp tại nhà, quan trọng là không nên đè ép quá mạnh và chỉ nên tập trung xoa bóp vào các cơ bắp, tránh vùng cổ và những vùng gần mắt.
Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:
- Trẻ vị thành niên ngủ không đủ giấc có nguy cơ bị đột quỵ?
- Phát hiện sớm đột quỵ để phòng biến chứng nguy hiểm
- 8 mẹo dành cho người chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!