Cảnh báo mê sảng cấp tính do ngộ độc thuốc cản quang

Thời sự - 11/24/2024

Trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, tiêm các chất cản quang vào cơ thể giúp gia tăng sự thấy rõ của các cấu trúc hoặc dịch khi chụp chẩn đoán. Hiện nay, do số bệnh nhân có chỉ định tiêm thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh ngày càng gia tăng nên tần suất bệnh nhân bị sốc phản vệ do thuốc cản quang cũng tăng theo…

Ca bệnh điển hình

Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, Trung tâm Thông tin và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc (DI và ADR) Quốc gia đã ghi nhận một số báo cáo liên quan đến phản ứng dị ứng với thuốc cản quang từ mức độ nhẹ cho đến mức độ đe dọa tính mạng. Số lượng báo cáo nghiêm trọng có xu hướng ngày càng tăng qua các năm cho thấy cần có biện pháp tích cực hơn để giám sát và quản lý các yếu tố nguy cơ trong quá trình sử dụng thuốc cản quang.

Trường hợp điển hình là bệnh nhân nam, 63 tuổi, có tiền căn tăng huyết áp, không ghi nhận tiền căn bệnh lí tâm thần kinh trước đây. Nhập viện vì đau ngực kiểu mạch vành điển hình, kèm vã mồ hôi, tăng động học men tim, chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên, phân độ Killip I và được chỉ định chụp, can thiệp mạch vành.

Tình trạng tri giác của bệnh nhân trước khi chụp mạch vành hoàn toàn tỉnh táo, hết đau ngực, không khó thở, định hướng không gian, thời gian rõ ràng, các chỉ số sinh hiệu nằm trong giới hạn bình thường.

Khi chụp mạch vành, tổng số lượng cản quang được sử dụng là 50ml iobitridol. Kết thúc thủ thuật, tri giác bệnh nhân tỉnh táo, trạng thái tâm thần kinh ổn định, dấu hiệu sinh tồn nằm trong giới hạn bình thường.

Tuy nhiên, khoảng 30 phút sau, bệnh nhân cảm thấy bứt rứt, khó chịu, nóng nảy, không thực hiện theo y lệnh. 5 tiếng sau kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên thì bệnh nhân bắt đầu la hét, kích động, nói tục, mất định hướng không gian, thời gian, mất nhận thức hành vi, không nhận ra được người thân, không dấu thần kinh khu trú, kèm sốt 39 độ C, không ho, âm phế bào nghe rõ 2 phế trường, phổi không nghe ran.

Sau khi được xử trí, tình trạng mê sảng cấp được cải thiện sau 24 giờ kể từ khi khởi phát. Theo các chuyên gia chống độc thì đây được coi là ca bệnh điển hình của ngộ độc thuốc cản quang.

Cảnh báo mê sảng cấp tính do ngộ độc thuốc cản quang

Chọn loại thuốc cản quang phù hợp để ngừa biến chứng.

Những điều cần lưu ý…

Thuốc cản quang chứa iod hiện đang là loại thuốc có số lượng sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Trước khi tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân hoặc người đại diện đều phải ký giấy cam kết nhưng số ca tai biến do thuốc cản quang cũng có xu hướng gia tăng.

Các phân tử thuốc cản quang đi tới hệ thống mao mạch não, qua hàng rào máu não do tăng sự thẩm thấu nội bào, tiếp xúc với vỏ não và gây ảnh hưởng lên màng tế bào thần kinh. Các triệu chứng về thần kinh bao gồm mất định hướng không gian, thời gian, mất nhận thức hành vi như la hét, kích động có thể xuất hiện sau khi thực hiện thủ thuật can thiệp mạch vành qua da từ vài phút đến vài giờ. Sau khi đã loại trừ tất cả tổn thương thần kinh thực thể thì các bác sĩ lâm sàng nên nghĩ đến một tình trạng mê sảng cấp tính thoáng qua do ngộ độc thuốc cản quang.

Biến chứng thần kinh trung ương sau thủ thuật chụp, can thiệp mạch vành qua da rất hiếm gặp bao gồm nhiễm độc thần kinh trung ương do thuốc cản quang, nhồi máu não, hay xuất huyết não. Trong đó, nguyên nhân gây nhiễm độc hệ thần kinh trung ương được báo cáo trong các ca lâm sàng trước đây là phụ thuộc vào mức độ thẩm thấu, hàm lượng iod, tính ái mỡ, độ nhầy nhớt và đặc tính ion hóa của thuốc cản quang.

Dự phòng tai biến khi dùng các thuốc cản quang

Dự phòng tai biến thuốc cản quang bằng cách chọn loại thuốc cản quang phù hợp. Các thuốc cản quang nonionic đẳng trương hoặc nhược trương dường như ít dị ứng hơn so với các thuốc khác. Chính vì thế, đây sẽ là lựa chọn cho các đối tượng bệnh nhân sau: tiền sử hen phế quản, đang dùng chẹn beta, IL-2 hoặc NSAIDs hoặc những bệnh nhân trước đó có tiền sử dị ứng thuốc đặc biệt là thuốc cản quang. Những bệnh nhân này cần hết sức thận trọng khi phải dùng thuốc cản quang bằng bơm tiêm áp lực. Khi sử dụng thuốc cản quang ngoại mạch, ít có nguy cơ dị ứng hơn, tuy nhiên, nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang trước đó, thì vẫn nên dùng thuốc dự phòng trước corticosteroid và kháng histamin là hai thuốc được sử dụng trong điều trị dự phòng. Nên kết hợp với sử dụng thuốc cản quang nonionic locm để giảm nguy cơ dị ứng thuốc.

Hiện số lượng ca lâm sàng về ngộ độc thần kinh trung ương do thuốc cản quang sau khi can thiệp mạch vành được báo cáo rất ít trong các y văn trước đây. Chính vì vậy, cơ chế của các tổn thương này vẫn còn chưa được biết rõ, và cũng chưa có đầy đủ thông tin về cách xử trí cũng như phác đồ điều trị rõ ràng.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!