Tiêm filler ở spa, một nữ sinh bị mất thị lực phải vào viện cấp cứu
Theo đó, cô gái quê Bình Dương 20 tuổi đến một spa tại quận 3, TP HCM, tiêm chất làm đầy (filler) nâng mũi với giá 600.000 đồng. Tuy nhiên khi vừa tiêm xong, mắt trái cô đau nhức dữ dội và mờ dần, da từ đầu mũi đến mắt xuất hiện những mảng đỏ nhưng chưa hoại tử. 35 phút sau khi tiêm, cô gái được người ở cơ sở thẩm mỹ này đưa đến Bệnh viện Trưng Vương cấp cứu.
Khi vừa tiêm xong, mắt trái cô đau nhức dữ dội và mờ dần, da từ đầu mũi đến mắt xuất hiện những mảng đỏ nhưng chưa hoại tử.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc động mạch võng mạc trung tâm, nguy cơ mù mắt. Bệnh nhân được tiêm thuốc giải ở vùng mắt và mũi, kháng sinh, giảm đau nhưng tình trạng hiện vẫn chưa cải thiện. Tiên lượng mắt bệnh nhân khó trở về thị lực bình thường, vùng da sẽ được theo dõi một vài tuần để đánh giá tình hình và hướng xử lý tiếp theo. Nhãn mác hộp filler tiêm cho bệnh nhân xuất xứ từ Hàn Quốc, không có tiếng Việt.
Trên thị trường hiện nay, không hiếm các quảng cáo làm đầy môi, cằm, khoé mắt, nhăn trán bằng tiêm filler và rất nhiều người nghĩ đây là phương pháp diệu kỳ cho chị em sửa chữa những khuyết điểm của cơ thể. Chị em tìm đến filler với mục đích để làm đầy chỗ mình muốn, nhằm duy trì gương mặt đầy đặn, căng mọng và trẻ đẹp hơn. Đáng tiếc là việc không tìm hiểu kỹ cũng như ham làm chỗ rẻ đã khiến nhiều chị em nhận quả đắng.
Trên thị trường hiện nay, không hiếm các quảng cáo làm đầy môi, cằm, khoé mắt, nhăn trán bằng tiêm filler.
Mới tháng trước, chúng ta đã từng nghe đến vụ tiêm chất làm đầy khiến hoại tử mũi, lệch mặt, sưng bầm của một phụ nữ ở Hà Nội. Chưa kể từ đầu năm đã có rất nhiều vụ gặp họa do tiêm chất làm đầy. Không chỉ là mù mắt mà còn hoại tử, thậm chí là nguy cơ mất mạng trong tích tắc…
Theo GS.TS Trần Thiết Sơn (Bệnh viện Xanh Pôn), phương pháp này có thể gây tử vong nếu người thực hiện không tuân thủ nguyên tắc chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hành. Có một thực trạng đáng lo ngại nhất hiện nay, không chỉ ở những spa dùng chất tiêm cùng tay nghề không đảm bảo mà một thực trạng đáng báo động nữa là ở các tiệm cắt tóc, gội đầu bình thường cũng có chiêu trò quảng cáo như có thể tiêm filler với giá rẻ khiến nhiều người mù quáng tin theo, bất chấp tính mạng cũng như có những rủi ro tiềm ẩn.
Tiêm chất làm đầy hay bất cứ phương pháp làm đẹp nào cũng cần tìm hiểu kỹ, không được chủ quan
Theo GS.TS Trần Thiết Sơn, thủ thuật tiêm chất làm đầy với những người hành nghề lâu năm không còn là khái niệm gì mới mẻ, thực tế đã có nguồn gốc từ rất lâu đời. 'Tiêm chất làm đầy hay còn gọi là tiêm filler đối với phái đẹp là chuyện không quá xa lạ vì thường được sử dụng trong các phẫu thuật thẩm mỹ bơm môi, nâng ngực', chuyên gia cho hay.
Chất làm đầy có dạng lỏng, thường là collagen, axit hyaluronic hoặc chính là mỡ tự thân. Tất cả các dạng chất làm đầy đều dùng để tiêm vào dưới da với mục đích làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó, các chất này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (6 tháng đến 3 năm).
Riêng mỡ tự thân có thể tồn tại lâu hơn. Muốn duy trì kết quả, cần tiếp tục điều trị, giá mỗi lần thực hiện từ 10-20 triệu đồng. Đặc biệt, cách làm đẹp này không để lại dấu vết trên thân hình, gương mặt của người phụ nữ'.
Là một chuyên gia trong ngành, vị giáo sư này nhận định, tiêm chất làm đầy được nhiều chị em hiện nay rất ưa chuộng bởi lẽ đây là hình thức phẫu thuật thẩm mỹ không cần đụng đến dao kéo, không gây đau đớn, không mất nhiều thời gian cũng như không phải nghỉ dưỡng…
Tuy nhiên, tiêm chất làm đầy cũng có những rủi ro nhất định. Điều đầu tiên phải nói đến chính là việc tìm hiểu kỹ phương pháp cũng như tìm nơi 'chọn mặt gửi vàng'. Thế nhưng nhiều chị em lại tin vào những lời đường mật từ các cơ sở thẩm mỹ chui, spa làm đẹp… dẫn đến chẳng có mũi cao, cằm Vline, môi trái tim… như mong đợi, lại còn phải nhập viện trong tình trạng khuôn mặt biến dạng. Để điều trị, các bác sĩ sẽ phải gắp ra tỉ mỉ từng u cục nhỏ để làm sạch những chất làm đầy này.
Hiện nay, việc tiêm chất làm đầy được Bộ Y tế cho phép sử dụng nhưng nhiều nơi lợi dụng để làm chui, cùng sự kém hiểu biết của người làm dịch vụ, đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Ở những cơ sở chui thường sử dụng chất làm đầy trái phép như silicon lỏng vốn là chất cấm, rất nguy hiểm cho khách hàng.
Do đó, trước khi quyết định tiêm chất làm đầy vào cơ thể, chị em nên xác định được trên vỏ thuốc có thành phần Acid Hyaluronic hữu cơ (được viết tắt là HA) chứ không phải là silicon lỏng; nhà sản xuất, tên thương mại, hạn sử dụng và cuối cùng là giấy phép của sản phẩm để chắc rằng sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam, phù hợp với cơ địa của người Việt.
'Thực chất, tiêm chất làm đầy không phải cái gì quá khó thực hiện với những bác sĩ, kỹ thuật viên có tay nghề đảm bảo. Do đó, lời khuyên của chuyên gia là bạn nên đến những bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để thực hiện tiêm chất làm đầy cũng như bất cứ phương pháp thẩm mỹ tạo hình nào', chuyên gia nhấn mạnh.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!