Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, thực trạng nhiễm độc chì ở Việt Nam hiện nay vẫn đáng báo động bởi lẽ có những bệnh nhân đến viện đã được phát hiện nhưng còn có rất nhiều bệnh nhân sống trong cộng đồng đang bị nhiễm độc chì mà không hề hay biết.
Lý giải nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm độc chì, chuyên gia chống độc cho hay, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do khai khoáng các quặng chứa chì, tái chế chì từ ác quy, do sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì – đặc biệt là các thuốc có chứa hồng đơn, hoặc các công nhân trong môi trường lao động công nghiệp cũng rất dễ nhiễm độc chì… Hiện nay, còn yếu tố nữa rất cần được quan tâm đó là vấn đề các sản phẩm sơn chứa chì.
Hiểm họa từ những ngôi nhà bong tróc sơn
Theo TS. Nguyên, vấn đề nhiễm độc chì do sơn rất nổi cộm ở các nước phát triển cách đây 30 năm, nhiều người đã bị nhiễm độc, kể cả trẻ em khi hít phải các sơn chứa chì bong tróc ra từ những ngôi nhà cũ kỹ sau nhiều năm đi vào sử dụng. Chính vì thế, hiện nay các quốc gia phát triển đã kiểm soát rất chặt chẽ các dạng sản phẩm sơn chứa chì và tiến hành thay thế gần như tất cả các sản phẩm nguy hại này.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có con số chính xác về vấn đề sơn có chì và cần thiết cần có những số liệu báo cáo chính thức để kịp thời ứng phó. Trong khi đó, tại một số quốc gia trên thế giới, người ta đã có những khảo sát để biết được tỉ lệ sơn có chì là bao nhiêu, ví dụ ở Trung Quốc, Ấn Độ có đến hơn 70% sản phẩm sơn có chì; Malaysia là hơn 50%; Singapore gần 10% sản phẩm sơn có chì...
Những ngôi nhà bong tróc sơn tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
'Dễ nhận thấy là các công trình xây dựng – đặc biệt trong nhà ở, thay vì dùng vôi, ve như trước đây thì nay đa số đều sử dụng sơn, và tôi sợ rằng tại các công trình nhà đã ở, kể cả nhà đang xây sẽ có thể có sơn chứa chì. Và trong khoảng 10-15 năm nữa, khi các công trình nhà ở này thoái hóa, bong tróc ra thì người sống trong nhà đó sẽ hít phải sơn chứa chì và bị nhiễm độc.
Do đó không thể chậm trễ được nữa, vì khi đến chu kỳ bong tróc sơn sẽ gây ra nhiễm độc, e rằng có nhiều người sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe' – Giám đốc Trung tâm Chống độc cảnh báo.
Khó thải trừ chì ra khỏi cơ thể
Theo TS. Nguyên, chì là kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của cơ thể - nhất là với sự phát triển trí tuệ, tinh thần của trẻ em. Kể cả với nồng độ chì thấp thậm chí dưới 5mcg/dL cũng có nguy cơ gây hại. Nhiễm độc chì gây teo não, yếu cơ, liệt cơ, ảnh hưởng đến tim mạch, nội tiết, phụ nữ mang bầu dễ sảy thai, thiếu máu…
Sơn chì là một trong những nguồn tiếp xúc chì phổ biến nhất ở trẻ em và có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn và không thể phục hồi ở não đang phát triển của trẻ em. Sơn chì có thể làm giảm chỉ số thông minh (IQ) và khả năng tập trung, suy giảm khả năng học tập và tăng nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi. Không có mức độ phơi nhiễm chì nào là không gây hại, và do đó chúng ta cần nỗ lực phối hợp để cấm tất cả các loại sơn có chứa chì.
Việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm độc chì cũng rất nan giải, ngay cả khi có đủ thuốc giải độc thì cũng không thể loại bỏ chì ngay lập tức ra khỏi cơ thể được vì khi vào cơ thể, kim loại độc này sẽ gắn chặt với xương. Chúng ta chỉ có thể thải trừ chì trong máu nhưng rất tốn kém và lâu dài, cho dù bệnh nhân được điều trị tích cực, chì vẫn tác động lên cơ thể và để lại hệ lụy khó lường.
Làm thế nào loại bỏ mối đe dọa?
Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về sơn chì có hiệu lực sẽ tạo ra sự khác biệt quan trọng để loại bỏ một trong những mối đe doạ phổ biến nhất về nhiễm độc chì đối với trẻ em. Các Tổ chức Phi chính phủ (NGO) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ban hành và thực hiện các quy định quốc gia đó.
Một cuộc khảo sát từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy rằng, sơn chì vẫn chưa được quản lý ở đa số các quốc gia, mặc dù mục tiêu toàn cầu là loại bỏ sơn chì vào năm 2020. Tính đến 31/5/2020, chỉ 39% quốc gia xác nhận đã có các quy định pháp lý để kiểm soát đối với sơn chì. Tuy nhiên, nhiều quy định trong số đó vẫn chưa đủ bảo vệ sức khoẻ con người vì bao gồm các trường hợp miễn trừ, giới hạn lỏng lẻo, hoặc không được thực thi. Kết quả đạt được cho đến nay phần lớn là nhờ nỗ lực của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy và tạo động lực cho quá trình xây dựng các luật mới/quy định mới hoặc thúc đẩy việc thực thi các luật/quy định sẵn có ở gần 50 quốc gia trong 12 năm qua.
Tuần lễ Quốc tế Phòng chống Nhiễm độc Chì (ILPPW) là sáng kiến của Liên minh Toàn Cầu về Loại bỏ Sơn chì do chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cùng Tổ chức Y tế thế giới khởi xướng. Sự kiện này được tổ chức hàng năm và năm nay là sang năm thứ 8, diễn ra từ ngày 25-31/10/2020. Trọng tâm của Tuần lễ hành động năm nay là cần đẩy nhanh tiến độ hướng tới loại bỏ sơn có chì trên toàn cầu thông qua các biện pháp ràng buộc và pháp lý. Đồng thời Tuần lễ này cũng tôn vinh những kết quả đã đạt được ở các quốc gia cũng như nêu bật sự khẩn thiết kêu gọi hành động bổ sung thông qua các hoạt động của các NGOs tại các quốc gia đó.
Tại Việt Nam, từ năm 2016, chiến dịch hưởng ứng Tuần lễ Quốc tế Phòng chống ngộ độc chì được Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) tổ chức hàng năm với nhiều hình thức đa dạng khác nhau. Và năm nay, Tuần lễ quốc tế phòng chống ngộ độc chì là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy việc sớm ban hành và thực hiện Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn với giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn ≤600ppm tại thời điểm Thông tư có hiệu lực, ≤200ppm sau 3 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực, và ≤ 90ppm sau 5 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực.
Theo lộ trình này, mức giới hạn tối đa của tổng hàm lượng chì trong sơn dưới 600ppm sau khi Thông tư có hiệu lực vẫn là cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khoẻ cho con người. Hàm lượng chì trong sơn an toàn với sức khoẻ con người và cộng đồng theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO) là ≤ 90ppm. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Phillippines, Nepal, Bangladesh, Israel, Jordan, Kenya, Cameroon,… đã thực hiện theo khuyến cáo này của WHO. Do đó, đã đến lúc Việt Nam cần sớm ban hành và thực hiện Thông tư quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn hàm lượng chì trong sơn ở mức ≤ 90ppm.
'Việc sử dụng chì trong sơn đã bị cấm ở nhiều nước phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Các giải pháp thay thế hiệu quả để các thành phần sơn không có chì đã được phổ biến rộng rãi ở các quốc gia này. Tuy nhiên, trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ bị tổn thương suốt đời và không thể phục hồi do tiếp xúc với chì trong sơn. Và do đó, sơn chì cần phải được loại bỏ ở Việt Nam' - bà Nguyễn Kim Thuý - Giám đốc điều hành CGFED nói.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!