Cảnh báo những dấu hiệu của bệnh bạch hầu

Cần biết - 11/24/2024

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hay người không mắc bệnh nhưng mang vi khuẩn bạch hầu.

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp. Bệnh do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hay người không mắc bệnh nhưng mang vi khuẩn bạch hầu.

Thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày hoặc có thể lâu hơn.

Bệnh bạch hầu xuất hiện ở cổ họng, amidan, được biểu hiện bằng lớp màng màu xám dày, có thể nhìn thấy được.

Tử vong vì chủ quan khi mắc bệnh bạch hầu

Tháng 10 năm 2018, tại tỉnh Kon Tum xuất hiện dịch bạch hầu tại 3 xã: Đăk Hà, Đăk Tô và Tu Mơ Rông. Ngành y tế đã dùng CloraminB để xử lý môi trường ổ dịch và giám sát chủ động bệnh bạch hầu.

Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 2 người tử vong vì bệnh bạch hầu tại tỉnh này.

Không chỉ Việt Nam, Malaysia cũng có trường hợp tử vong do mắc bạch hầu vào tháng 10 năm 2018. Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah - Lãnh đạo cao cấp của Bộ Y tế Malaysia cho biết cụ thể trường hợp tử vong như sau: Ngày 4/10, bé gái bị sốt và đau họng. Ngày 11/10, bé được đưa tới một phòng khám tư để khám bệnh.

Ngày 12/10, bé vào khoa cấp cứu của một bệnh viện để điều trị. 

Ngày 13/10, bé được chuyển vào khoa nhi để được chăm sóc đặc biệt.

Ngày 15/10, em bé qua đời do mắc bạch hầu quá nặng, gây nên tình trạng suy đa tạng.

Trường hợp trên nguyên nhân được xác định là gia đình không tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu cho bé khi đến thời điểm tiêm chủng.

Cảnh báo những dấu hiệu của bệnh bạch hầu

Cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Ảnh minh họa. Nguồn: Suckhoedoisong.vn.

Dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu

Triệu chứng của bệnh xuất hiện trong khoảng từ 2 – 5 ngày sau khi nhiễm vi khuẩn. Có nhiều trường hợp không có biểu hiện gì, nhưng cũng có những trường hợp có các triệu chứng như bị cảm lạnh.

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như: ho, sốt, ớn lạnh, các tuyến ở cổ bị sưng, họng bị sưng, da xanh tái, chảy nước dãi, có cảm giác lo lắng, sợ hãi.

Khi bệnh trở nặng hơn thì có các dấu hiệu:  nói lắp, thay đổi thị lực, khó thở, khó nuốt, có các dấu hiệu sốc (da tái, lạnh, vã mồ hôi, tim đập nhanh).

Phòng bệnh bạch hầu

Để đề phòng bệnh bạch hầu, cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu khi trẻ đủ 2 tháng tuổi và trong tình trạng khỏe mạnh.

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vắc xin phòng uốn ván và ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu cũng được phối hợp trong vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1.

Với người lớn, nên tiêm phối hợp vắc xin bạch hầu và uốn ván.

Khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu, nên đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị thích hợp.

bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp nên bệnh nhân cần được cách ly với những người không nhiễm bệnh. Những người chăm sóc bệnh nhân, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh mang vi khuẩn Corynebacterium lây lan cho những người khác.

Trần Huyền

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!