Đừng chủ quan khi gió mùa về!
Thực hiện chủ trương của Bộ Y tế về quản lý bệnh nhân mãn tính điều trị ngoại trú, BVĐK Hà Đông đã sớm thành lập phòng khám tư vấn hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2010. Qua 6 năm triển khai, đến nay trung bình mỗi tháng phòng khám, tư vấn và cấp thuốc cho 500 bệnh nhân. Gần 100% các bệnh nhân được cải thiện về bệnh, giảm tỉ lệ bệnh nhân phải vào viện cấp cứu hoặc điều trị, giảm chi phí điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Để người bệnh có điều kiện trao đổi, học hỏi kiến thức, hiểu biết về bệnh, cách phòng bệnh và các biến chứng của bệnh, cách thức cụ thể để điều chỉnh lối sống… mỗi quý Bệnh viện đa khoa Hà Đông tổ chức một lần CLB Hen – COPD cho 200 đến 300 bệnh nhân tham gia góp phần quan trọng trong công tác điều trị, theo dõi bệnh.
BS Phí Thị Hải Anh hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả
Phòng khám luôn chú trọng đến công tác khám, tư vấn và hướng dẫn người bệnh tận tình chu đáo . Bên cạnh đó thái độ, phong cách ứng xử đầy trách nhiệm giữa nhân viên y tế với người bệnh khiến người bệnh đến với phòng khám luôn vui vẻ dù nhiều khi phải chờ đợi vì số lượng bệnh nhân khá đông.
Để tạo cảm giác quên đi sự chờ đợi đó bệnh viện đã cải tiến cung cấp Wifi miễn phí, tờ rơi tuyên truyền về bệnh hen ngay tại phòng khám với hình ảnh bắt mắt sinh động để bệnh nhân có thể truy cập internet đọc báo, xem tờ rơi. Ngoài ra trong trong công tác điều trị chăm sóc bệnh nhân tại nhà bệnh viện bố trí bộ phận chăm sóc bệnh nhân thường xuyên gọi điện thăm hỏi sức khỏe bệnh nhân, nhắc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng liều...
Phòng bệnh hen khi lạnh về như thế nào?
Bác sĩ Phí Thị Hải Anh, Trưởng khoa Khám bệnh – BVĐK Hà Đông chia sẻ về bệnh hen:
- Hạn chế tối đa tiếp xúc với các dị nguyên: bụi, phấn hoa, lông chó mèo, ra đường cần dùng khẩu trang để tránh bụi bẩn…
- Những người mắc bệnh hen suyễn cần giữ ấm cơ thể và có một chế độ chăm sóc sức khỏe khoa học để không bị cảm lạnh và nhiễm khuẩn vì đây là nguyên nhân làm bùng phát hen phế quản ngay lập tức. Bên cạnh tiêm phòng cúm hàng năm, nên có chế độ ăn uống hợp lý, làm việc nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục đều đặn (tập luyện những bộ môn phù hợp với tình trạng sức khỏe, không nên tập quá sức, tốt nhất là cần có lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa), uống nhiều nước
- Không uống rượu bia, không hút thuốc lá, và tránh ăn những thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua…
Những việc cần làm khi bị hen
- Thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về các biện pháp phòng tránh các yếu tố gây kích phát cơn hen và cách dùng thuốc.
- Nên ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Nhiều người quan niệm sai lầm, cho rằng bị hen suyễn cần phải kiêng khem nhiều thứ. Thực ra, bạn chỉ nên tránh ăn những thức gây dị ứng làm bạn lên cơn.
- Tập luyện thể lực đều đặn, đừng sợ tập luyện làm bạn lên cơn hen. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn nên tập luyện như thế nào và môn thể thao nào thích hợp với bạn. Nhờ tập luyện sức đề kháng của bạn sẽ tăng lên giúp bạn ít bị cảm cúm. Tập luyện cũng giúp bạn chịu đựng cơn hen dễ dàng hơn.
- Nếu bạn thường bị cảm cúm, nên tiêm ngừa cúm mỗi năm một lần.
- Nên cho người thân và bạn bè biết bạn bị hen và có thể giúp bạn thế nào khi bạn lên cơn hen cũng như biện pháp phòng ngừa. Nếu con bạn bị hen, hãy báo cho thầy cô của cháu biết.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!