Cảnh giác với ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ

Thời sự - 04/28/2024

Thời tiết thay đổi trẻ hay bị ngạt mũi, chảy nước mũi nên nhiều bậc cha mẹ vội mua các loại thuốc dùng tại chỗ để nhỏ mũi giúp trẻ dễ thở, giảm tình trạng ngạt mũi.

Thuốc có hiệu quả nhanh nên được nhiều bà mẹ tin dùng dẫn đến lạm dụng thuốc mà không biết ảnh hưởng của thuốc nhỏ mũi, nhất là các thuốc co mạch rất nặng nề, đặc biệt đối với trẻ em.

Dấu hiệu nguy hiểm khi trẻ bị ngộ độc thuốc

Mặc dù chưa có nhiều thống kê liên quan đến tình trạng ngộ độc thuốc nhỏ mũi, nhưng từ kinh nghiệm, thực tiễn khám, các bác sĩ tại Viện Nhi Trung ương cho biết, các ca ngộ độc thuốc nhỏ mũi khá nhiều và thường rơi vào đối tượng trẻ dưới 3 tuổi (chiếm 90%). Nguyên nhân của các ca ngộ độc thường là do cha mẹ nhỏ thuốc cho trẻ quá liều không đúng chỉ định và cho trẻ uống nhầm thuốc. Đó là các trường hợp trẻ nuốt các loại thuốc nhỏ mắt hay thuốc thông mũi ở dạng xịt có chứa tetrahydrozoline, oxymetazoline hay naphazoline.

Các thuốc này là thuốc có tác dụng làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài, giảm sưng và sung huyết khi nhỏ hoặc xịt thuốc vào niêm mạc mũi. Đây là thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế có không ít phụ huynh tự ý dùng thuốc nhỏ mũi loại này cho trẻ mà không biết chỉ cần nhỏ thậm chí 2 giọt là có khả năng gây ngộ độc đối với trẻ sơ sinh.

Các biểu hiện ngộ độc thuốc gồm: buồn nôn, nôn, ngủ lịm, nhịp tim nhanh, giảm hô hấp, nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tăng huyết áp, giảm vận động, ngủ lơ mơ, giãn đồng tử, ngẩn ngơ, giảm thân nhiệt, nhỏ nước dãi, hôn mê... thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Cảnh giác với ngộ độc thuốc nhỏ mũi ở trẻ

Trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc thuốc nếu sử dụng không đúng hoặc quá liều.

Lời khuyên của bác sĩ

Trên thị trường, hầu hết các thuốc nhỏ mũi, xịt mũi làm giảm sung huyết, ngạt mũi được thể hiện dưới nhiều biệt dược khác nhau hiện đều không được đóng gói an toàn cho trẻ em. Do vậy, khuyến cáo các bậc cha mẹ và các bác sĩ nhi khoa cần phải lưu ý để ngăn ngừa và chữa trị kịp thời khi trẻ nuốt phải thuốc nhỏ mắt hay thuốc thông mũi có chứa tetrahydrozoline, oxymetazoline hay naphazoline.

Để sử dụng thuốc an toàn cho trẻ cần lưu ý những điều sau: Không dùng thuốc cho trẻ sơ sinh; không dùng thuốc có nồng độ cao (dùng cho người lớn, trẻ lớn) cho trẻ nhỏ dưới 6 tuổi. Trong trường hợp cần thiết thì dùng dung dịch 0,025% và phải hết sức thận trọng theo chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Chỉ được dùng dung dịch 0,05% cho trẻ em dưới 12 tuổi khi có chỉ dẫn và giám sát của bác sĩ chuyên khoa.

Khi dùng thuốc co mạch không nên dùng quá 7 ngày vì nếu dùng quá thời gian trên sẽ dễ gây hiện tượng nhờn thuốc, làm cho thuốc không có hiệu quả nữa, thậm chí còn gây hiện tượng viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó chữa trị. Bên cạnh đó, ngoài việc thuốc có tác dụng tại chỗ thì thuốc còn thấm qua niêm mạc vào máu gây tác dụng toàn thân, do vậy không được dùng liều cao dài ngày.

Không được dùng thuốc nhỏ mũi co mạch nhiều lần và liên tục để tránh bị sung huyết nặng trở lại. Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 5 ngày nếu trẻ không đỡ cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị đúng.

Luôn để các thuốc nhỏ mũi, xịt mũi này ở xa tầm tay của trẻ em. Trong trường hợp trẻ vô tình uống nhầm các thuốc này, cần liên lạc ngay với trung tâm chống độc gần nhất để cấp cứu cho trẻ.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!