Cảnh giác với những cơn đau thắt ngực

Thời sự - 11/24/2024

Bệnh mạch vành tim (hay động mạch vành) xuất hiện khi động mạch vành bị hẹp hay tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau (thường là do mảng xơ vữa động mạch). Hậu quả là hệ thống động mạch vành không thể đáp ứng đủ nhu cầu ô xy cho cơ tim. Trong số các bệnh lý về tim mạch thì bệnh mạch vành tim là căn nguyên gây tử vong hàng đầu và đang có xu hướng trẻ hóa. Đau thắt ngực là biểu hiện quan trọng nhất giúp nhận biết bệnh mạch vành tim.

Bệnh mạch vành tim (hay động mạch vành) xuất hiện khi động mạch vành bị hẹp hay tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau (thường là do mảng xơ vữa động mạch). Hậu quả là hệ thống động mạch vành không thể đáp ứng đủ nhu cầu ô xy cho cơ tim. Trong số các bệnh lý về tim mạch thì bệnh mạch vành tim là căn nguyên gây tử vong hàng đầu và đang có xu hướng trẻ hóa. Đau thắt ngực là biểu hiện quan trọng nhất giúp nhận biết bệnh mạch vành tim.

Cảnh giác với những cơn đau thắt ngực

Ảnh minh họa

Vì sao bị đau thắt ngực?

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, trước đây, bệnh động mạch vành được coi là bệnh của người cao tuổi. Nhưng hiện nay, bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nhiều thanh niên mắc động mạch vành từ sớm, có người 28 - 29 tuổi đã nhồi máu cơ tim. Rất nhiều người trẻ mắc bệnh động mạch vành có yếu tố nguy cơ như có tiền sử hút thuốc lá, rối loạn lipid máu, béo phì... Động mạch vành là nguyên nhân hàng đầu gây đau thắt ngực. Nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim mà dấu hiệu báo trước là các cơn đau thắt ngực.

Lý giải những cơn đau thắt ngực do bệnh mạch vành, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam cho biết, quả tim được nuôi bởi hệ thống động mạch gọi là hệ thống động mạch vành. Khi động mạch vành bị hẹp, bít tắc, lượng máu đến tim kém đi lúc đó bệnh nhân sẽ xuất hiện các cơn đau thắt ngực. Bệnh nhân lên cơn đau thắt ngực có cảm giác như tim bị bóp chặt, thắt nghẹt, đè ép hoặc đôi lúc khó chịu âm ỉ trong lồng ngực.

Vị trí đau thường gặp là sau xương ức, vùng giữa ngực hoặc vùng tim. Dấu hiệu đau thắt ngực có thể xuất hiện tại chỗ hoặc lan lên vùng cổ, hàm, vai, cánh tay trái. Cơn đau thường chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn, chừng 10 - 30 giây hoặc vài phút. Trường hợp cơn đau kéo dài trên 15 phút thì nhiều khả năng bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim.

Nhận biết cơn đau thắt ngực nguy hiểm

Có nhiều yếu tố bùng phát cơn đau thắt ngực như gắng sức, do xúc cảm quá mức (vui mừng, bực tức, buồn quá...) hoặc bị lạnh đột ngột đều là yếu tố thuận lợi có thể gây các cơn đau thắt ngực.

Ngoài ra, những người có các bệnh mạn tính như rối loạn lipid máu, thừa cân, béo phì hoặc tăng huyết áp... cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị đau thắt ngực.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng lưu ý, người dân khi đau thắt ngực kèm theo các triệu chứng lo sợ vã mồ hôi... cần gọi cấp cứu. Đối với những bệnh nhân đã biết mình mắc bệnh động mạch vành, hoặc khi có các cơn đau ngắn, xuất hiện lúc gắng sức thì khi đỡ đau cũng cần tới cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám, tư vấn và điều trị cụ thể. Hậu quả nguy hiểm nhất của một cơn đau thắt ngực là nhồi máu cơ tim khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, cần phân biệt cơn đau thắt ngực ổn định với đau thắt ngực không ổn định. Đau thắt ngực ổn định thường làm cho người bệnh bị đau ngực đột ngột, không thể tiếp tục công việc đang làm, dừng luôn mọi hoạt động. Đối với những cơn đau thắt ngực ổn định thì người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi điều độ, giúp cho nhịp tim chậm lại thì động mạch vành sẽ đáp ứng được nhu cầu ô xy của cơ tim và làm giảm hẳn các cơn đau.

Ngược lại, đau thắt ngực không ổn định hay còn gọi là hội chứng mạch vành cấp xuất hiện do sự giảm đột ngột của dòng máu mạch vành đến nuôi cơ tim mà nguyên nhân thường là do nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến bít tắc đột ngột toàn bộ hoặc một phần lòng mạch. Đây là tình huống cần được cấp cứu khẩn cấp. Các cơn đau thắt ngực không ổn định vô cùng nguy hiểm, nó không chỉ gây ra nhồi máu cơ tim cấp mà còn có thể khiến cho người bệnh tử vong đột ngột nếu không cấp cứu kịp thời. Ngay cả khi được cấp cứu kịp thì khả năng bị di chứng về sau cũng khá nặng nề.

Phòng ngừa càng sớm càng tốt

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, do bệnh động mạch vành và nhồi máu cơ tim ngày càng trẻ hóa nên mỗi người chúng ta cần phải phòng ngừa ngay khi còn trẻ. Cụ thể là xây dựng một lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, giảm căng thẳng, tăng cường vận động thể chất... Ngoài ra, cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu.

Hầu hết các yếu tố chủ yếu gây tổn thương mạch máu hoàn toàn có thể kiểm soát được như thuốc lá, đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol. Khi phát hiện bị tăng huyết áp, đái tháo đường, người bệnh phải được điều trị tích cực và duy trì mức huyết áp và đường huyết thích hợp.

Đối với cholesterol trong máu cao thì cần thay đổi chế độ ăn, tập luyện hay phải dùng thuốc để đưa về chỉ số bình thường. Nếu tất cả các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu này được duy trì ở chỉ số thích hợp thì cơ hội xuất hiện bệnh tim động mạch vành giảm đáng kể.

Hiện nay có nhiều phương pháp xử trí khi cơn đau thắt ngực xảy ra như điều trị nội khoa, tái thông động mạch vành hoặc mổ bắc cầu động mạch vành tùy thuộc vào từng bệnh nhân cụ thể. Mặt khác, sau khi bệnh nhân được điều trị ổn định vẫn dùng thuốc và theo dõi liên tục, tuân thủ một chế độ ăn và sinh hoạt phù hợp. Do đó, biện pháp tốt nhất để tránh bệnh lý tim động mạch vành sau này, đó là nên phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh càng sớm càng tốt.

Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!