Cháu bé còn dấu hiệu sống sau vụ tai nạn nhưng phải nằm hơn 20 phút chờ đi cấp cứu và cuối cùng không qua khỏi. Chở cháu bé bị thương nặng đi ngay hay chờ cán bộ y tế - câu hỏi khiến nhiều người day dứt.
Vụ tai nạn trên phố Ái Mộ (Long Biên, Hà Nội) sáng 29/2 khiến 3 người tử vong, trong đó bé gái bị vỡ sọ não ban đầu tim vẫn đập và có biểu hiện của sự sống. Cán bộ y tế 115 dù chỉ di chuyển trên quãng đường 4 km nhưng phải chạy vòng mất hàng chục phút vì đường phố đang giờ cao điểm tắc nghẽn buổi sáng.
Trong hơn 20 phút chờ đợi, một số người bế cháu ra giữa đường tìm sự trợ giúp đưa đi cấp cứu, nhưng dường như không ai đáp lại. Khi cháu được đưa lên xe tải của công an và chuẩn bị rời đi thì xe cấp cứu đến. Nạn nhân được chở vào bệnh viện Đức Giang gần đó đặt nội khí quản rồi chuyển tiếp qua Việt Đức, nhưng cháu tử vong hai tiếng sau đó.
Cháu bé có dấu hiệu của sự sống sau tai nạn (Ảnh cắt từ video)
Chứng kiến vụ tai nạn, cô giáo Dương Kim Liên (trường Tiểu học Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ tâm trạng đau đớn trước 'những trái tim vô cảm', bởi nỗ lực nhờ lái xe đưa cháu đi cấp cứu bất thành.
'15 phút sau tai nạn, mình bỗng thấy cháu bé gồng bụng lên đầu lắc lắc. Mình gọi những người xung quanh thông báo cháu còn sống. Lúc này công an đã xuất hiện. Mình bấm máy gọi 115 và đề nghị công an chặn nhờ xe đưa cháu đi ngay... Mọi người chặn được một chiếc xe taxi. Khi mấy người bế cháu đưa ra thì taxi bỏ chạy mặc cho mình và mọi người kêu gọi. Tiếp tục mình đứng ra giữa đường chặn một xe con. Người đàn ông lái xe cố tình chen đám đông để thoát', cô viết.
Dòng tâm sự trên trang cá nhân cô giáo nhận hơn 3.600 bình luận cùng 4.200 lượt chia sẻ. Làn sóng phản ứng với 'sự vô cảm' cũng dấy lên trong cộng đồng từ đây.
Đoạn camera an ninh VnExpress thu thập được ghi lại diễn biến gần 20 phút sau tai nạn, khoảng 8 lượt ôtô, 500 lượt xe máy và hàng trăm người đi bộ qua lại. Hình ảnh camera cũng cho thấy một số công an phường đứng phân luồng phương tiện và bảo vệ hiện trường. Nhiều người vây quanh nơi cháu bé nằm, nhưng không hoạt động cứu chữa nào diễn ra.
Hơn 20 phút cháu bé nằm tại hiện trường nguy kịch, nhiều phương tiện qua lại nhưng không hoạt động cứu chữa nào diễn ra (Camera an ninh do VnExpress thu thập)
Từng vài lần sơ cứu người tai nạn, anh Anh Đức (Long Biên) bức xúc khi theo dõi sự việc, tình huống này không cần chờ đề nghị mà tài xế phải dừng lại quan sát khả năng cứu chữa người. 'Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, tôi sẽ dùng các vật trên xe như khăn để tạm băng bó vết thương cho cầm máu rồi đưa đến bệnh viện nhanh nhất có thể', anh cho hay.
Còn anh Trần Quân (Hoàng Mai) thì bày tỏ 'hơi do dự bởi cháu bé bị tràn dịch não. Tôi chưa có kinh nghiệm sơ cứu bao giờ nên không biết phải làm thế nào. Có lẽ chờ cơ quan y tế vẫn là tốt nhất'.
Trần tình sự việc, một nữ tài xế có mặt tại hiện trường cho hay không phải vì ích kỷ không đưa cháu đi cấp cứu mà tình trạng cháu quá nặng, không biết phải sơ cứu kiểu gì. 'Bế lên đưa đi mà không có đồ nghề, có khi khả năng tử vong cao hơn nên phải gọi xe cấp cứu và chờ', chị nói.
Anh Trần Quân, nữ tài xế đều mong kiến thức và quy trình cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông được cơ quan hữu trách phổ biến, tập huấn rộng rãi hơn nữa.
Chia sẻ quan điểm trên, bác sĩ Ninh Việt Khải (Bệnh viện Việt Đức) nhận xét: 'Rất khó đổ lỗi cho ai, vì hầu hết người dân không có kỹ năng sơ cứu nhất định, có thể gây nguy hiểm'. Tuy vậy, với cháu bé trong vụ tai nạn Camry, 5 đến 10 phút đầu tiên là rất quan trọng. 'Nạn nhân đi bệnh viện sớm lúc nào thì cơ hội cứu vãn sẽ cao hơn', bác sĩ Khải nói.
Nhiều người tìm cách giúp đỡ cháu nhưng không thành (Ảnh cắt từ video)
Luật Giao thông đường bộ quy định, những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm giúp đỡ, cứu chữa người bị nạn; người điều khiển phương tiện khi đi qua vụ tai nạn có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu. Theo một cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội), người nào không cứu giúp nạn nhân trên đường đều có chế tài xử lý.
Các tổ chức, cá nhân không cứu giúp người bị tai nạn khi có yêu cầu, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3, Điều 11 Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 với mức 500.000-1.000.000 đồng. Việc không cứu giúp người ở tình trạng nguy hiểm tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!