Bộ phận dùng làm thuốc là lá, rễ (xuyên phá thạch).
Về thành phần hóa học, vỏ và gỗ cây mỏ quạ có cudraniaxanthon, butyrospermol acetat, kaempferol, aromadendrin, populnin, quercetin, taxifolin; lá chứa flavonoid.
Theo Đông y, rễ mỏ quạ có vị đắng tê, tính hơi mát; vào kinh phế; tác dụng khứ phong, hoạt huyết phá ứ, làm mát phổi, giãn gân; chữa ho, ứ tích lâu năm, bế kinh, đòn đánh bị thương, phong thấp. Lá mỏ quạ chữa vết thương phần mềm. Liều dùng: 60 - 100g. Dùng tươi tăng liều lượng.
Rễ cây mỏ quạ trị đau lưng do phong thấp, tay chân nhức mỏi.
Một số bài thuốc có mỏ quạ:
Trừ phong, giảm đau:
Bài 1:rễ mỏ quạ 250g tẩm rượu sao. Sắc uống. Chữa đau lưng do phong thấp, chân tay nhức mỏi.
Bài 2: rễ mỏ quạ 20g, binh lang 20g, thảo quả 20g. Sắc uống. Chữa kinh giản, lên cơn hàng ngày hay cách 3 - 4 ngày.
Bài 3: vỏ rễ mỏ quạ lượng vừa đủ giã nát, đắp vào chỗ đau. Chữa mụn nhọt sưng đau.
Mát phổi, chữa ho. Dùng khi lao phổi, ho ra máu, sốt hâm hấp.
Bài 1: rễ mỏ quạ 63g, bách bộ 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Chữa lao phổi, ho, sốt, đờm vàng.
Bài 2:rễ mỏ quạ 63g cạo bỏ vỏ thô ở ngoài, thái lát, sao xém. Sắc lấy nước, thêm ít đường để uống. Ngày uống 3 lần. Chữa ho ra máu do nóng ở phổi (phế nhiệt).
Bài 3: rễ mỏ quạ 40g, dây rung rúc 30g, bách bộ 20g, hoàng liên ô rô 20g. Sắc uống. Chữa lao phổi, ho ra máu, khạc ra đờm lẫn máu.
Chữa vết thương phần mềm: Lá mỏ quạ tươi, lá bòng bong tươi liều lượng bằng nhau giã đắp, rửa thay băng hàng ngày. Sau 3 ngày, thêm cây hàn the, liều lượng bằng nhau, giã đắp và thay băng hàng ngày để nhanh lên da non. Sau 2 - 3 lần, dùng phấn cây cau (sao khô) 20g, phấn cây chè (sao khô) 16g, bồ hóng 8g, phèn phi 4g, nghiền bột, rắc lên vết thương cho đóng vảy và róc thì thôi.
Kiêng kỵ: Không dùng cho phụ nữ có thai.
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!