Paracetamol là thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau và được sử dụng khá phổ biến trong thực hành điều trị, thuốc được bán rộng rãi ở các nhà thuốc. Paracetamol có khá nhiều biệt dược do các hãng thuốc khác nhau sản xuất dựa trên hoạt chất chính là Paracetamol, có thể kể đến một số dược phẩm như: Hapacol, Panadol, Panamax, Dymadol, Efferalgan, Dafalgan…
Paracetamol dành cho trẻ em thường được bào chế dưới dạng bột sủi bọt hòa tan trong nước; dạng viên đạn dùng đường hậu môn với những trẻ có khó khăn khi dùng đường uống như trẻ bị nôn ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc; dạng dung dịch truyền thường được sử dụng để giảm đau sau phẫu thuật. Paracetamol được sử dụng rất nhiều năm để điều trị triệu chứng sốt và đau mức độ trung bình và nhẹ cho trẻ em, nhất là hạ sốt do nhiễm khuẩn, nhiễm vi-rút cấp và giảm đau sau phẫu thuật. Với liều điều trị thông thường, thuốc được coi là an toàn và ít gây tác dụng phụ.
Việc sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol đúng chỉ định, đúng liều dùng sẽ mang lại hiệu quả điều trị, tuy nhiên sử dụng Paracetamol không đúng hướng dẫn có thể dẫn đến những sai lầm đáng tiếc, hậu quả có thể dẫn tới tử vong.
Một số tính chất dược lý:
Paracetamol là thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau, không có tác dụng chống viêm. Paracetamol hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, sinh khả dụng là 80-90%, ít gắn vào Protein huyết tương. Paracetamol chuyển hóa phần lớn ở gan (một lượng nhỏ chuyển hóa ở thận), và thải trừ qua đường tiết niệu.
Khi nào dùng Paracetamol
- Paracetamol được sử dụng để điều trị giảm đau triệu chứng các cơn đau nhẹ và vừa: đau răng, đau sau phẫu thuật, đau do nhiễm trùng tai, nhiễm trùng mũi họng, đau do gãy xương...
- Hạ sốt trong các trường hợp sốt do nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm trùng đường tiết niệu, sốt do nhiễm vi-rút cấp… Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5oC.
- Cần lưu ý là Paracetamol chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, làm giảm triệu chứng đau và sốt ở trẻ em chứ không phải là thuốc điều trị nguyên nhân gây nên đau, sốt.
Vì vậy với các trường hợp trẻ có sốt hoặc đau trên 48 giờ thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Với những trẻ còn nhỏ, trẻ chưa biết nói, triệu chứng đau có thể thấy như trẻ quấy khóc, bỏ bú, rối loạn giấc ngủ, chán ăn, thay đổi thói quen, trẻ không chơi đùa như thường lệ… cha mẹ, người thân cần cho trẻ đi khám sớm để tìm nguyên nhân và có cách xử trí phù hợp.
Chống chỉ định và thận trọng khi dùng:
- Không dùng cho người có tiền sử dị ứng với Paracetamol.
- Không dùng Paracetamol cho người thiếu hụt men G6PD (Glucose 6 phosphat Dehydrogenase) vì thuốc làm tăng nguy cơ tan huyết ở người thiếu hụt G6PD.
- Không dùng Paracetamol cho người suy gan, suy thận, không sử dụng Paracetamol nói riêng và các thuốc giảm đau nói chung cho người đau bụng chưa rõ nguyên nhân vì làm lu mờ triệu chứng và dẫn tới khó khăn trong chẩn đoán bệnh.
Liều lượng:
- Liều dùng Paracetamol trung bình cho trẻ em là 10-15mg/kg cân nặng, thời gian cách nhau giữa các lần dùng thuốc trong ngày từ 4 đến 6 giờ, không nên dùng thuốc quá 4 lần/ngày. Tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/24 giờ.
Độc tính
Sau khi hấp thu vào máu và đến gan, Paracetamol được oxy hóa ở gan thành N-acetyl parabenzoquinonimin, chất chuyển hóa này sau đó được khử bằng glutathion ở gan. Khi sử dụng paracetamol liều cao, kéo dài sẽ dẫn tới hàm lượng N-acetyl parabenzoquinonimin sinh ra mỗi ngày một tăng cao, trong khi đó hàm lượng glutathion ở gan để khử độc là hữu hạn, dẫn tới chất N-acetyl parabenzoquinonimin không được khử hết, tích tụ lại và gắn vào tế bào gan và gây độc cho tế bào, hoại tử tế bào. Một số biểu hiện của tình trạng nhiễm độc do quá liều Paracetamol như buồn nôn, nôn, đau bụng, triệu chứng xanh tím ở da và niêm mạc. Tổn thương hoại tử tế bào gan biểu hiện trên lâm sàng là các triệu chứng tức nặng hạ sườn phải, vàng da, gan to, men gan tăng (các men GOT, GPT, GGT và LDH đều tăng), có thể dẫn tới hôn mê gan, trường hợp nặng bệnh nhi có thể tử vong nếu không được điều trị giải độc kịp thời. Trong điều trị nhiễm độc Paracetamol thuốc được ưu tiên sử dụng là N acetyl cystein (một chất tiền thân của Glutathion), sử dụng thuốc càng sớm thì hiệu quả giải độc càng tốt.
Một số lưu ý phòng tránh ngộ độc Paracetamol:
- Cha mẹ, người thân cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi cho trẻ dùng thuốc.
- Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng chỉ định.
- Không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc phối hợp: Một số thuốc làm tăng độc tính của paracetamol trên gan như Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin, Izoniazid… Vì vậy trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên tự ý cho trẻ sử dụng phối hợp thuốc, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
- Để thuốc ở một nơi an toàn và tránh xa tầm với của trẻ em tránh trường hợp trẻ có thể uống thuốc, nhai thuốc không có kiểm soát.
- Mặc dù hiếm gặp nhưng với trẻ có cơ địa nhạy cảm với thuốc, thì vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi độc tính của Paracetamol khi dùng ở liều thấp. Vì vậy cha mẹ cần theo dõi trẻ trong thời gian dùng thuốc, thông báo ngay cho bác sĩ các tác dụng không mong muốn khi trẻ sử dụng thuốc, đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện hoặc nghi ngờ có nhiễm độc để được xử trí kịp thời.
>> Xem thêm: Bé gái 2 tuổi đột ngột tử vong sau khi bị sốt
Ảnh minh họa: Internet
Quang Thanh
Thấy hữu ích thì LIKE và SHARE ngay nhé!